Ông Hồ Sĩ Mạnh Vũ (Quảng Trị) là lái xe hợp đồng theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP tại một cơ quan Nhà nước, hưởng lương theo bảng lương số 4 ban hành kèm theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP, được hưởng các loại phụ cấp: Công vụ, lưu động, độc hại, khu vực.
 Những phụ cấp này không đóng nộp BHXH, BHYT, BHTN và lương thực nhận của ông Vũ là 5.450.000 đồng/tháng. Khi cơ quan thực hiện việc ký chuyển tiếp hợp đồng lao động theo Điều 3 Nghị định số 161/2018/NĐ-CP, thì mức lương mới của ông Vũ được tính là tổng tiền lương bao gồm các khoản phụ cấp.
 Cơ quan BHXH lấy mức tiền lương mới làm căn cứ tính đóng BHXH, cho nên sau khi trừ tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN thì mức tiền lương thực nhận của ông là 5.200.000 đồng/tháng, thấp hơn mức lương thực nhận trước khi chuyển tiếp hợp đồng lao động. Ông Vũ được biết, theo Thông tư 03/2019/TT-BNV hướng dẫn Nghị định 161/2018/NĐ-CP, khi chuyển sang ký chuyển tiếp hợp đồng thì mức lương hợp đồng không thấp hơn mức lương hiện hưởng.
 Ông Vũ hỏi, theo quy định trên thì mức lương hiện hưởng là mức lương thực nhận hay là mức lương trước khi đóng nộp BHXH, BHYT, BHTN?
 Về vấn đề này, Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội trả lời như sau:
 Hiện nay, nhân viên lái xe trong cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng lao động quy định tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP của Chính phủ được xếp lương theo hệ số lương từ 2,05 đến hệ số 4,03 trong thang lương 12 bậc, tại Bảng 4: Bảng lương nhân viên thừa hành, phục vụ trong các cơ quan Nhà nước và các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước (Ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ) nhân với mức lương cơ sở 1.490.000 đồng (theo quy định tại Nghị định số 38/2019/NĐ-CP ngày 9/5/2019 của Chính phủ), như sau:
Bậc | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 |
Hệ số | 2.05 | 2.23 | 2.41 | 2.59 | 2.77 | 2.95 | 3.13 | 3.31 | 3.49 | 3.67 | 3.85 | 4.03 |
Mức lương | 3.0545 | 3.3227 | 3.5909 | 3.8591 | 4.1273 | 4.3955 | 4.6637 | 4.9319 | 5.2001 | 5.4683 | 5.7365 | 6.0047 |
 Theo quy định tại Nghị định số 161/2018/NĐ-CP và Thông tư số 03/2019/TT-BNV ngày 14/5/2019 thì đối tượng ký hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP không áp dụng thang, bảng lương quy định tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lương vũ trang mà chuyển sang thực hiện ký hợp đồng lao động; mức lương trong hợp đồng lao động mới không thấp hơn mức lương hiện hưởng; bảo đảm trên nguyên tắc việc thực hiện các nội dung hợp đồng lao động tuân thủ quy định của Bộ luật Lao động và các quy định khác có liên quan.
 Tại Khoản 2, Điều 4 Thông tư số 03/2019/TT-BNV ngày 14/5/2019 của Bộ Nội vụ, sửa đổi Mục II Thông tư số 15/2001/TT-BTCCBCP ngày 11/4/2001 của Ban Tổ chức – Cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ) hướng dẫn thực hiện Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp, quy định như sau:
 Cá nhân, tổ chức ký hợp đồng để làm những công việc quy định tại Điều 1 Nghị định số 68/2000/NĐ-CP và quy định tại Khoản 1, Điều 3 Nghị định số 161/2018/NĐ-CP được điều chỉnh theo quy định của pháp luật về lao động, pháp luật về dân sự, pháp luật về thương mại và không thuộc chỉ tiêu biên chế, số lượng người làm việc và quỹ tiền lương của cơ quan, tổ chức, đơn vị; các cá nhân đang ký hợp đồng lao động để làm những công việc nêu tại Điều 1 Nghị định số 68/2000/NĐ-CP, quy định tại Khoản 1, Điều 3 Nghị định số 161/2018/NĐ-CP và áp dụng bảng lương quy định tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang thì chuyển sang thực hiện ký hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 161/2018/NĐ-CP; mức lương trong hợp đồng lao động mới không thấp hơn mức lương hiện hưởng.
 Trả lời vấn đề ông Hồ Sỹ Mạnh Vũ hỏi, theo luật sư, mức lương hiện hưởng của nhân viên lái xe trong cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập theo Bảng lương số 4, ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP, là mức hệ số lương của bậc đang giữ nhân với mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
 Ví dụ: Ông Vũ đang hưởng lương nhân viên lái xe bậc 11/12, hệ số lương 3,85; mức lương hiện hưởng 5.736.500 đồng. Sau khi chuyển sang thực hiện ký hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 161/2018/NĐ-CP thì mức lương trong hợp đồng lao động mới không thấp hơn mức lương hiện hưởng (tức là không thấp hơn 5.736.500 đồng).
 Tiền lương làm căn cứ đóng BHXH (8%), BHYT (1,5%), BHTN (1%) hàng tháng đối với người lao động trong khối cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp hưởng lương do Nhà nước quy định là mức lương hiện hưởng, cộng phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên nghề, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).
 Tiền lương làm căn cứ đóng BHXH (8%), BHYT (1,5%), BHTN (1%) hàng tháng đối với người lao động do doanh nghiệp quyết định là mức lương hiện hưởng, phụ cấp lương (gồm: Phụ cấp chức vụ, phụ cấp trách nhiệm, phụ cấp nặng nhọc độc hại nguy hiêm, phụ cấp khu vực, phụ cấp lưu động, phụ cấp thu hút, các loại phụ cấp có tính chất tương tự… và các khoản bổ sung khác (nếu có). Vì vậy, tiền lương thực nhận là tiền lương còn lại sau khi trích đóng BHXH.
 Luật sư Trần Văn Toàn
 VPLS Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội
 Tag: 161 gì