Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp
 Theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp thì doanh nghiệp phải có người đại diện theo pháp luật. Vậy người đại diện theo pháp luật là ai; tiêu chuẩn để làm người đại diện theo pháp luật là gì và quy định về người đại diện theo pháp luật của từng loại hình doanh nghiệp như thế nào, hãy cùng tham khảo bài viết dưới đây:
 1. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là ai?
 Đại diện là việc cá nhân hay pháp nhân nhân danh và vì lợi ích của cá nhân hoặc pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự theo quy định của pháp luật.
 Luật doanh nghiệp có quy định rằng người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật. Quyền và nghĩa vụ của người đại diện được ghi nhận trong Điều lệ doanh nghiệp và trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
 Như vậy, hiểu theo cách đơn giản nhất, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là người thay mặt doanh nghiệp trực tiếp thực hiện các giao dịch kinh doanh với khách hàng, đối tác và làm việc với cơ quan Nhà nước vì lợi ích của doanh nghiệp.
 2. Ai có thể là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp?
 Không phải ai cũng có thể trở thành người đại diện theo pháp luật của công ty. Trên thực tế, để có thể thực hiện chức năng này, người đại diện theo pháp luật yêu cầu phải có rất nhiều kiến thức cũng như kinh nghiệm. Việc lựa chọn ai là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp sẽ dựa trên các tiêu chí cần thiết phù hợp với hoạt động doanh nghiệp của mỗi công ty.
 Quy định tại Điều 137 Bộ luật Dân sự có nói rằng, những người sau đây có thể làm đại diện theo pháp luật của công ty.
- Người được pháp nhân chỉ định theo điều lệ;
- Người có thẩm quyền đại diện theo quy định của pháp luật;
- Người do Tòa án chỉ định trong quá trình tố tụng tại Tòa án.
 Phạm vi đại diện của người đại diện theo pháp luật của công ty cũng không đương nhiên trải dài bao trùm tất cả hoạt động doanh nghiệp của công ty. Những người này chỉ có nghĩa vụ và trách nhiệm trong phạm vi của mình, theo các căn cứ sau:
- Quyết định của cơ quan có thẩm quyền;
- Điều lệ của pháp nhân;
- Nội dung ủy quyền;
- Quy định khác của pháp luật.
 3. Trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp
 Vai trò và trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp trong doanh nghiệp khá lớn. Hoạt động của doanh nghiệp sẽ được thông qua người đại diện theo pháp luật. Bộ luật dân sự 2015 đã dành một chương IX riêng quy định về đại diện trong quan hệ pháp luật dân sự, đặc biệt là đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
 Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp có những trách nhiệm sau:
- Thực hiện các quyền và nghĩa vụ được giao một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp;
- Trung thành với lợi ích của doanh nghiệp; không sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp, không lạm dụng địa vị, chức vụ và sử dụng tài sản của doanh nghiệp để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác;
- Thông báo kịp thời, đầy đủ, chính xác cho doanh nghiệp về việc người đại diện đó và người có liên quan của họ làm chủ hoặc có cổ phần, phần vốn góp chi phối tại các doanh nghiệp khác.
- Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chịu trách nhiệm cá nhân đối với những thiệt hại cho doanh nghiệp do vi phạm nghĩa vụ quy định tại các nội dung trên.
 4. Số lượng người đại diện theo pháp luật trong doanh nghiệp
 Doanh nghiệp có thể không có người đại diện theo pháp luật được không?
 Trong suốt quá trình hoạt động, từ khi thành lập doanh nghiệp đến khi giải thể hoặc tuyên bố phá sản hay sát nhập, chia, tách, doanh nghiệp phải đảm bảo luôn có người đại điện theo pháp luật của doanh nghiệp.
 Mặt khác, khi hoạt động doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là một trong những chứng cứ thể hiện doanh nghiệp đã được thừa nhận về mặt pháp luật, giúp doanh nghiệp có thể công khai hoạt động của mình trên thị trường từ đó tạo sự uy tín, thu hút khách hàng đến với doanh nghiệp hơn. Trong đó, thông tin về người đại diện theo pháp luật là nội dung không thể thiếu trong loại giấy này khi doanh nghiệp hoạt động kinh doanh. Điều lệ của công ty cũng có những điều khoản riêng quy định về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
 Từ đây, có thể thấy rằng một công ty muốn hoạt động bình thường không thể thiếu người đại diện theo pháp luật.
 Doanh nghiệp có thể có nhiều người đại diện theo pháp luật không?
 Theo quy định tại Bộ luật dân sự 2015 khoản 2 Điều 137 thì doanh nghiệp có thể có nhiều người đại diện theo pháp luật, mỗi người đại diện có quyền đại diện cho doanh nghiệp theo quy định.
 Luật doanh nghiệp có quy định, công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật. Mô hình những công ty lớn có cơ cấu tổ chức chặt chẽ và có sự quản lý phân chia công việc cụ thể sẽ phù hợp sử dụng nhiều người đại diện theo pháp luật. Điều lệ công ty quy định cụ thể số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
 Quy định của pháp luật cho phép các công ty có nhiều người đại diện theo pháp luật cũng giảm được các hạn chế trong giao dịch của doanh nghiệp với người đại diện. Tuy nhiên, quyền lợi và nhiệm vụ của người đại diện theo pháp luật không được chồng chéo với nhau. Trong một số trường hợp cần làm rõ phạm vi đại diện của người đại diện theo pháp luật, trách nhiệm liên đới hay riêng rẽ của các đại diện theo pháp luật trong giao dịch nhân danh công ty, sự giám sát lẫn nhau giữa các đại diện,…
 Doanh nghiệp phải có ít nhất một người đại diện pháp luật ở trong nước
 Doanh nghiệp phải đảm bảo luôn có ít nhất 01 người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam. Trường hợp doanh nghiệp chỉ có một người đại diện theo pháp luật, người đó phải cư trú ở Việt Nam.
 Trường hợp vắng mặt tại Việt Nam, người đại diện phải ủy quyền bằng văn bản cho người khác thực hiện quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật. Người ủy quyền đó vẫn chịu mọi trách nhiệm về hoạt động của người được ủy quyền.
 Khi hết thời hạn ủy quyền, người đại diện theo pháp luật chưa trở lại Việt Nam và không có ủy quyền khác, người đại diện theo ủy quyền tiếp tục thực hiện đại diện trong phạm vi quyền, nghĩa vụ đã được ủy quyền. Việc ủy quyền này được thực hiện đến khi người đại diện theo pháp luật trở lại hoặc đến khi có người khác làm đại diện theo pháp luật.
 5. Người đại diện theo pháp luật trong từng loại hình công ty cụ thể
 Công ty TNHH một thành viên do tổ chức sở hữu:
 Người đại diện theo pháp luật của công ty có thể là Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty nếu Điều lệ công ty không có quy định khác.
 Công ty TNHH hai thành viên trở lên:
 Người đại diện theo pháp luật của công ty có thể là Chủ tịch hội đồng thành viên hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc hoặc các chức danh quản lý khác quy định tại điều lệ công ty.
 Nếu công ty TNHH hai thành viên nếu chỉ có hai thành viên thì trong trường hợp người đại diện bị tạm giam, kết án tù, trốn khỏi nơi cư trú,… thì thành viên còn lại đương nhiên là người đại diện theo pháp luật của Công ty cho đến khi bầu ra người đại diện mới.
 Công ty Cổ phần:
 Người đại diện theo pháp luật của công ty có thể là Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.
 Công ty Hợp danh:
 Người đại diện theo pháp luật của công ty có thể là các thành viên hợp danh. Cụ thể là Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.
 Doanh nghiệp tư nhân:
 Người đại diện theo pháp luật của công ty là Chủ doanh nghiệp tư nhân.
 6. Vi phạm quy định về người dại diện theo pháp luật của doanh nghiệp
 Nghị định 50/2016/NĐ-CP quy định về hình thức xử phạt đối với người đại diện theo pháp luật. Theo đó sẽ áp dụng biện pháp xử lý sau:
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi dưới đây:
 + Không có người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam;
 + Không ủy quyền bằng văn bản cho người khác làm đại diện khi người đại diện theo pháp luật duy nhất của doanh nghiệp xuất cảnh khỏi Việt Nam;
 + Ủy quyền cho người không có đủ tiêu chuẩn và điều kiện làm người đại diện theo ủy quyền.
- Biện pháp khắc phục hậu quả:
 + Buộc đăng ký người đang cư trú tại Việt Nam làm người đại diện của doanh nghiệp;
 + Buộc ủy quyền cho người khác làm đại diện khi người đại diện theo pháp luật xuất cảnh khỏi Việt Nam;
 + Buộc thay đổi người đại diện đáp ứng các tiêu chuẩn và điều kiện theo quy định.