Thông tư 11/2020/TT-BNNPTNT của Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn

 BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
——-

 CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

 Số: 11/2020/TT-BNNPTNT

 Hà Nội, ngày 27 tháng 10 năm 2020

 

 THÔNG TƯ

 BAN HÀNH QUY ĐỊNH KỸ THUẬT VÀ ĐỊNH MỨC KINH TẾ – KỸ THUẬT CHO HOẠT ĐỘNG QUY HOẠCH THỦY LỢI VÀ ĐIỀU TRA CƠ BẢN THỦY LỢI

 Căn cứ Luật Thủy lợi ngày 19 tháng 6 năm 2017;

 Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch ngày 20 tháng 11 năm 2018;

 Căn cứ Nghị định số 15/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

 Căn cứ Nghị định số 53/2019/NĐ-CP ngày 17 tháng 6 năm 2019 quy định chi tiết việc lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch thủy lợi; đê điều; phòng, chống lũ của tuyến sông có đê;

 Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi;

 Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư Quy định kỹ thuật và Định mức kinh tế – kỹ thuật cho hoạt động quy hoạch thủy lợi và điều tra cơ bản thủy lợi.

 Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

 Thông tư này quy định kỹ thuật và định mức kinh tế – kỹ thuật cho hoạt động quy hoạch thủy lợi và điều tra cơ bản thủy lợi, bao gồm các nội dung sau:

 1. Quy hoạch thủy lợi

 a) Lập quy hoạch và rà soát, điều chỉnh quy hoạch thủy lợi lưu vực sông liên tỉnh;

 b) Lập quy hoạch và rà soát, điều chỉnh quy hoạch thủy lợi của hệ thống công trình thủy lợi liên quan từ 02 tỉnh trở lên.

 2. Điều tra cơ bản thủy lợi

 a) Điều tra hiện trạng số lượng, chất lượng và năng lực phục vụ của công trình thủy lợi; nhu cầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi;

 b) Điều tra hiện trạng cơ cấu tổ chức; cơ chế chính sách trong hoạt động thủy lợi;

 c) Điều tra, đánh giá tác động của công trình thủy lợi đến môi trường và đời sống của người dân;

 d) Điều tra, thu thập thông tin quan trắc, giám sát về số lượng, chất lượng nước, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, sa mạc hóa, lũ, ngập lụt, úng, bồi lắng, xói lở công trình thủy lợi, bờ sông, bờ biển phục vụ hoạt động thủy lợi.

 Điều 2. Đối tượng áp dụng

 Thông tư này áp dụng đối với cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp, các tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác quy hoạch thủy lợi và điều tra cơ bản thủy lợi.

 Điều 3. Quy định kỹ thuật và định mức kinh tế – kỹ thuật cho hoạt động quy hoạch thủy lợi

 Quy định kỹ thuật và định mức kinh tế – kỹ thuật cho hoạt động thủy lợi được quy định tại Phụ lục I kèm theo Thông tư này.

 Điều 4. Quy định kỹ thuật và định mức kinh tế – kỹ thuật cho hoạt động điều tra cơ bản thủy lợi

 Quy định kỹ thuật và định mức kinh tế – kỹ thuật cho hoạt động điều tra cơ bản thủy lợi được quy định tại Phụ lục II kèm theo Thông tư này.

 Điều 5. Hiệu lực thi hành

 Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 12 năm 2020.

 Điều 6. Tổ chức thực hiện

 1. Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

 2. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

  


Nơi nhận:
– Văn phòng Quốc hội;

– Văn phòng Chủ tịch nước;
– Văn phòng Chính phủ;
– Cơ quan TW các đoàn thể;
– Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
– UBND, HĐND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
– Sở NN và PTNT các tinh, TP trực thuộc TW;
– Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường;
– Các Thứ trưởng;
– Cục kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
– Công báo, Cổng thông tin điện tử CP;
– Website Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
– Các đơn vị trực thuộc Bô Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
– Các Chi cục Thủy lợi, Công ty KTCTTL;
– Lưu: VT, TCTL (350b).

 KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG

 Nguyễn Hoàng Hiệp