Tìm Hiểu Về Kho Ngoại Quan

 I. Kho ngoại quan là gì

 Kho ngoại quan là khu vực kho, bãi được thành lập trên lãnh thổ Việt Nam, ngăn cách với khu vực xung quanh để tạm lưu giữ, bảo quản hoặc thực hiện một số dịch vụ đối với hàng hoá từ nước ngoài, hoặc từ trong nước đưa vào kho theo hợp đồng thuê kho ngoại quan được ký giữa chủ kho ngoại quan và chủ hàng.

 II. Ưu điểm của kho ngoại quan:

 1. Hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu từ nước ngoài chờ đưa vào thị trường trong nước, chưa phải nộp thuế nhập khẩu;

 2. Doanh nghiệp làm dịch vụ kho ngoại quan dễ bố trí sắp xếp hàng khoa học qua đó giảm được chi phí và thời gian, doanh nghiệp gửi hàng tại kho ngoại quan cũng dễ dàng theo dõi tình trạng hàng hóa của mình đang gửi tại kho.

 III. Thủ tục liên quan đến kho ngoại quan (Nghị định số 68/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016):

 Điều 10. Điều kiện công nhận kho ngoại quan

 1. Khu vực đề nghị công nhận kho ngoại quan phải nằm trong các khu vực theo quy định tại khoản 1 Điều 62 Luật hải quan; khu vực đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt tại quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước; địa bàn ưu đãi đầu tư; khu vực phục vụ hoạt động xuất khẩu hàng hóa nông, lâm, thủy sản sản xuất tập trung.

 2. Kho ngoại quan được ngăn cách với khu vực xung quanh bằng hệ thống tường rào, đáp ứng yêu cầu kiểm tra, giám sát thường xuyên của cơ quan hải quan, trừ kho nằm trong khu vực cửa khẩu, cảng đã có tường rào ngăn cách biệt lập với khu vực xung quanh.

 3. Bảo đảm điều kiện làm việc cho cơ quan hải quan như nơi làm việc, nơi kiểm tra hàng hóa, nơi lắp đặt trang thiết bị kiểm tra hải quan, kho chứa tang vật vi phạm theo quy định của Bộ Tài chính.

 4. Kho ngoại quan phải có diện tích tối thiểu 5.000 m2 (bao gồm nhà kho, bãi và các công trình phụ trợ), trong đó khu vực kho chứa hàng phải có diện tích từ 1.000 m2 trở lên. Đối với kho ngoại quan chuyên dùng để lưu giữ một hoặc một số chủng loại hàng hóa có yêu cầu bảo quản đặc biệt thì phải có diện tích tối thiểu 1.000 m2 hoặc thể tích chứa hàng tối thiểu 1.000 m3. Riêng đối với kho ngoại quan nằm trong khu vực cảng phải có diện tích tối thiểu 1.000 m2. Bãi ngoại quan chuyên dùng phải có diện tích tối thiểu 10.000 m2, không yêu cầu diện tích kho.

 5. Có phần mềm đáp ứng các tiêu chí sau:

 a) Quản lý hàng hóa nhập, xuất, lưu giữ, tồn trong kho ngoại quan theo từng mặt hàng, đối tượng mua hàng, tờ khai hải quan;

 b) Đáp ứng yêu cầu sao lưu, kết xuất dữ liệu để phục vụ công tác báo cáo, thống kê, lưu trữ và được nối mạng trực tiếp với cơ quan hải quan quản lý.

 6. Có hệ thống ca-mê-ra đáp ứng các tiêu chí sau:

 a) Quan sát được các vị trí trong kho ngoại quan. Hình ảnh quan sát được vào tất cả các thời điểm trong ngày (24/24 giờ);

 b) Dữ liệu về hình ảnh ca-mê-ra được lưu giữ tối thiểu 12 tháng;

 c) Hệ thống ca-mê-ra được kết nối trực tiếp với cơ quan hải quan quản lý.

 Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ban hành chuẩn trao đổi dữ liệu giữa cơ quan hải quan và doanh nghiệp kinh doanh kho ngoại quan về phần mềm quản lý hàng hóa đưa vào, đưa ra, hệ thống ca-mê-ra giám sát.

 Điều 11. Hồ sơ công nhận kho ngoại quan

 1. Văn bản đề nghị công nhận theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này: 01 bản chính.

 2. Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư: 01 bản sao.

 3. Sơ đồ thiết kế khu vực kho, bãi thể hiện rõ đường ranh giới ngăn cách với bên ngoài, vị trí các kho hàng, hệ thống đường vận chuyển nội bộ, bảo vệ, văn phòng kho và nơi làm việc của hải quan: 01 bản sao.

 4. Tài liệu mô tả chương trình phần mềm quản lý kho ngoại quan: 01 bản chính.

 5. Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng kho ngoại quan: 01 bản sao.

 6. Giấy chứng nhận đủ điều kiện phòng cháy và chữa cháy do cơ quan công an cấp: 01 bản sao.

 7. Quy chế hoạt động: 01 bản chính.

 Điều 12. Trình tự xin công nhận kho ngoại quan

 1. Doanh nghiệp nộp hồ sơ đề nghị công nhận gửi qua đường bưu điện, gửi trực tiếp hoặc qua hệ thống tiếp nhận thông tin điện tử của cơ quan hải quan đến Tổng cục Hải quan.

 2. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ của doanh nghiệp, Tổng cục Hải quan hoàn thành việc kiểm tra hồ sơ, thực tế kho, bãi. Kết thúc kiểm tra, cơ quan hải quan và doanh nghiệp ký biên bản ghi nhận nội dung kiểm tra.

 3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành việc kiểm tra hồ sơ, thực tế kho, bãi, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ra quyết định công nhận kho ngoại quan hoặc có văn bản trả lời doanh nghiệp nếu chưa đáp ứng điều kiện theo quy định.

 4. Trường hợp chưa đủ hồ sơ hợp lệ, trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ của doanh nghiệp, Tổng cục Hải quan có văn bản thông báo và yêu cầu doanh nghiệp bổ sung hồ sơ. Quá 30 ngày làm việc kể từ ngày gửi thông báo nhưng doanh nghiệp không có phản hồi bằng văn bản, Tổng cục Hải quan có quyền hủy hồ sơ.

 Điều 13. Mở rộng, thu hẹp, di chuyển, chuyển quyền sở hữu kho ngoại quan

 1. Trường hợp có nhu cầu mở rộng, thu hẹp diện tích, di chuyển, chuyển quyền sở hữu kho ngoại quan và đáp ứng điều kiện theo quy định tại Điều 10 Nghị định này, doanh nghiệp lập hồ sơ gửi Tổng cục Hải quan, bao gồm:

 a) Văn bản đề nghị mở rộng, thu hẹp, di chuyển, chuyển quyền sở hữu: 01 bản chính;

 b) Sơ đồ kho, bãi khu vực mở rộng, thu hẹp, di chuyển, chuyển quyền sở hữu: 01 bản sao;

 c) Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng địa điểm khi mở rộng, thu hẹp, di chuyển: 01 bản sao;

 d) Hợp đồng liên quan đến chuyển quyền sở hữu: 01 bản sao.

 2. Trình tự mở rộng, thu hẹp, di chuyển, chuyển quyền sở hữu thực hiện như trình tự công nhận kho ngoại quan theo quy định tại Điều 12 Nghị định này.

 Điều 14. Tạm dừng hoạt động kho ngoại quan

 1. Tạm dừng hoạt động kho ngoại quan khi doanh nghiệp có văn bản đề nghị tạm dừng hoạt động. Thời gian tạm dừng hoạt động không quá 06 tháng.

 2. Cục Hải quan tỉnh, thành phố ra thông báo tạm dừng hoạt động kho ngoại quan.

 3. Trình tự tạm dừng hoạt động:

 Trong thời hạn 05 ngày làm việc từ khi nhận được văn bản đề nghị tạm dừng hoạt động kho ngoại quan của doanh nghiệp, Cục Hải quan tỉnh, thành phố thực hiện kiểm tra, xác nhận xác lượng hàng tồn tại kho và ra thông báo tạm dừng hoạt động kho ngoại quan.

 4. Trong thời gian tạm dừng hoạt động quy định tại khoản 1 Điều này, cơ quan hải quan không làm thủ tục hải quan đối với hàng gửi vào kho; giám sát và xử lý lượng hàng tồn tại kho ngoại quan theo quy định của pháp luật.

 5. Trước khi hết thời gian tạm dừng hoạt động ít nhất 05 ngày làm việc, doanh nghiệp có văn bản báo cáo về việc hoạt động trở lại hoặc chấm dứt hoạt động kho ngoại quan.

 6. Trong thời gian tạm dừng hoạt động, nếu doanh nghiệp có nhu cầu hoạt động trở lại thì thông báo bằng văn bản cho Cục Hải quan tỉnh, thành phố theo Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

 Điều 15. Chấm dứt hoạt động kho ngoại quan

 1. Các trường hợp chấm dứt hoạt động kho ngoại quan:

 a) Doanh nghiệp không duy trì các điều kiện theo quy định tại Điều 10 Nghị định này hoặc chấm dứt hoạt động của chủ kho cũ trong trường hợp chuyển quyền sở hữu kho ngoại quan;

 b) Doanh nghiệp có văn bản đề nghị chấm dứt hoạt động kho ngoại quan gửi Tổng cục Hải quan;

 c) Quá thời hạn 06 tháng kể từ khi có quyết định công nhận nhưng doanh nghiệp không đưa kho ngoại quan vào hoạt động;

 d) Quá thời hạn tạm dừng hoạt động nêu tại khoản 1 Điều 14 Nghị định này nhưng doanh nghiệp không có văn bản thông báo hoạt động trở lại;

 đ) Trong 12 tháng doanh nghiệp 03 lần vi phạm hành chính về hải quan liên quan đến hoạt động của kho ngoại quan và bị xử lý vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền với mức phạt cho mỗi lần vượt thẩm quyền xử phạt của Chi cục trưởng Chi cục Hải quan.

 2. Trình tự chấm dứt hoạt động kho ngoại quan:

 a) Cục Hải quan tỉnh, thành phố thực hiện kiểm tra, thanh khoản toàn bộ lượng hàng còn tồn tại kho ngoại quan; báo cáo, đề xuất Tổng cục Hải quan xem xét chấm dứt hoạt động.

 b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc từ khi nhận được báo cáo của Cục Hải quan tỉnh, thành phố, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan xem xét ra quyết định chấm dứt hoạt động đối với kho ngoại quan.

 IV. Quản lý hải quan đối với hàng hoá đưa vào, đưa ra kho ngoại quan

 4. Thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất kho ngoại quan để nhập khẩu vào nội địa hoặc nhập khẩu vào khu phi thuế quan:

 a) Trách nhiệm của người khai hải quan:

 a.1) Cập nhật thông tin hàng hóa xuất kho ngoại quan vào phần mềm quản lý hàng hóa nhập, xuất kho ngoại quan của chủ kho ngoại quan và chia sẻ các thông tin trên với cơ quan hải quan để quản lý, theo dõi;

 a.2) Thực hiện các công việc theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 52 Thông tư này tại Chi cục Hải quan quản lý kho ngoại quan.

 b) Trách nhiệm của Chi cục Hải quan quản lý kho ngoại quan:

 b.1) Kiểm tra đối chiếu thông tin hàng hóa xuất kho ngoại quan trên tờ khai hàng hóa nhập khẩu vào nội địa hoặc vào khu phi thuế quan đã có trên Hệ thống với thông tin trên phần mềm quản lý hàng hóa nhập, xuất kho ngoại quan; In và lưu trữ kèm hồ sơ hàng hóa nhập kho ngoại quan;

 b.2) Thực hiện các công việc theo quy định tại điểm d.1.2 khoản 2 Điều 51 Thông tư này.

 c) Các loại hàng hóa sau đây không được nhập khẩu vào nội địa từ kho ngoại quan:

 c.1) Hàng hóa theo quy định phải làm thủ tục nhập khẩu tại cửa khẩu;

 c.2) Hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa nhập khẩu không được chuyển cửa khẩu theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, trừ hàng hóa là nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị nhập khẩu để phục vụ sản xuất, gia công và hàng hóa được sản xuất, gia công tại Việt Nam”.

  

  

  

 Tag: thủ tục xin thành lập kho ngoại quan