Tìm hiểu về văn bản quy phạm pháp luật

 Quy phạm pháp luật là gì

Quy phạm pháp luật (tiếng Pháp: Règle de droit, tiếng Đức: Rechtsnorm, tiếng Anh: Legal norms) là những quy tắc, chuẩn mực mang tính bắt buộc chung phải thi hành hay thực hiện đối với tất cả tổ chức, cá nhân có liên quan, và được ban hành hoặc thừa nhận bởi các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Quy phạm pháp luật là tế bào, đơn vị cơ bản của pháp luật theo cấu trúc (bao gồm chế định pháp luật, ngành luật và hệ thống pháp luật. Cấu tạo của quy phạm pháp luật gồm ba thành phần là giả định, quy định và chế tài. Tuy nhiên, không nhất thiết phải đầy đủ ba bộ phận trong một quy phạm pháp luật.
Giả định: là bộ phận quy định địa điểm, thời gian, chủ thể, các hoàn cảnh, tình huống có thể xảy ra trong thực tế mà nếu hoàn cảnh, tình huống đó xảy ra thì các chủ thể phải hành động theo quy tắc xử sự mà quy phạm đặt ra. Đây là phần nêu lên trường hợp sẽ áp dụng quy phạm đó.
Quy định: là bộ phận trung tâm của quy phạm pháp luật và không thể thiếu. Nó nêu lên quy tắc xử sự mà mọi người phải thi hành khi xuất hiện những điều kiện mà phần giả định đã đặt ra.
Chế tài: là bộ phận chỉ ra những biện pháp tác động mà Nhà nước sẽ áp dụng đối với chủ thể không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy tắc xử sự đã được nêu trong phần giả định của quy phạm và cũng là hậu quả pháp lý bất lợi mà chủ thể phải gánh chịu khi không thực hiện đúng nội dung tại phần quy định.
Quy phạm pháp luật được chứa đựng trong các hình thức như Văn bản pháp, Tiền lệ pháp và Tập quán pháp (Luật tục)

 Văn bản quy phạm pháp luật là gì

 Văn bản quy phạm pháp luật hay còn gọi là Văn bản pháp quy là một hình thức pháp luật thành văn (Văn bản pháp) được thể hiện qua các văn bản chứa được các quy phạm pháp luật do cơ quan hoặc cá nhân có thẩm quyền ban hành để điều chỉnh các quan hệ xã hội. Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 của Việt Nam thì Văn bản quy phạm pháp luật là văn bản do cơ quan nhà nước ban hành hoặc phối hợp ban hành theo thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục được quy định trong đó có quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc chung, được Nhà nước bảo đảm thực hiện để điều chỉnh các quan hệ xã hội.

 Tính quy phạm phổ biến của pháp luật

 Tính quy phạm phổ biến của văn bản quy phạm pháp luật vì là những quy tắc xử sự chung , được coi là khuôn mẫu, chuẩn mực điều chỉnh các mối quan hệ xã hội.

 Các văn bản quy phạm pháp luật

1. Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội.
2. Pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.
3. Lệnh, quyết định của Chủ tịch nước.
4. Nghị định của Chính phủ.
5. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
6. Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao, Thông tư của Chánh án Toà án nhân dân tối cao.
7. Thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
8. Thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.
9. Quyết định của Tổng Kiểm toán Nhà nước.
10. Nghị quyết liên tịch giữa Uỷ ban thường vụ Quốc hội hoặc giữa Chính phủ với cơ quan trung ương của tổ chức chính trị – xã hội.
11. Thông tư liên tịch giữa Chánh án Toà án nhân dân tối cao với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; giữa các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.
12. Văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân.

 Bài tập về quy phạm của pháp luật

Bài tập số 1:
Lực lượng vũ trang nhân dân tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, Nhân dân, với Đảng và Nhà nước, có nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ Nhân dân, Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế”. (Điều 65 Hiến pháp 2013).
– Giả định: “Lực lượng vũ trang nhân dân” Phần giả định trong trường hợp này nêu lên quan hệ xã hội mà quy phạm này điều chỉnh, xác định rõ đối tượng phải chịu sự điều chỉnh của quy phạm pháp luật này đó là lực lượng vũ trang nhân dân.
– Quy định: “tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, Nhân dân, với Đảng và Nhà nước, có nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ Nhân dân, Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế”. Phần quy định trong trường hợp này nêu lên cách thức xử sự của đối tượng được nêu ở phần giả định.
– Chế tài: không có.
Bài tập số 2:
Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa, cưỡng ép thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu. (Điều 127 Bộ luật Dân sự 2015).
– Giả định: “Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa, cưỡng ép” Giả định trong trường hợp này đã nêu lên tình huống, hoàn cảnh chịu sự điều chỉnh của quy phạm này đó là khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa.
– Quy định: “quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu”. Quy định trong trường hợp này nêu lên cách thức xử sự của đối tượng được nêu ở phần giả định.
– Chế tài: không có.
Bài tập số 3:
Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. (Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015).
– Giả định: “Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác”. Giả định trong trường hợp này đã nêu lên đối tượng phải chịu sự điều chỉnh của quy phạm pháp luật này đó là người xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác.
– Quy định: không được nêu rõ ràng trong quy phạm pháp luật nhưng ở dạng quy định ngầm. Theo đó, quy định trong trường hợp này là không được xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác.
– Chế tài: “bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm”. Chế tài ở đây là biện pháp của Nhà nước tác động đến chủ thể vi phạm pháp luật.
Bài tập xác định giả định, quy định, chế tài
Bài tập xác định giả định, quy định, chế tài
1. “ Văn bản quy phạm pháp luật phải được  gửi đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền để giám sát, kiểm tra” (Điều 10, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2008).
* Đáp án: – QPPL trên gồm 2 bộ phận: giả định và quy định, khuyết (ẩn) chế tài.
+ Giả định: “văn bản quy phạm pháp luật”.
+ Quy định: “phải được  gửi đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền để giám sát, kiểm tra”.
2. “Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách đảm bảo quyền và cơ hội bình đẳng giới” (Điều 26 Hiến pháp 1992, sửa đổi 2013).
* Đáp án: – QPPL trên gồm 2 bộ phận: giả định và quy định, khuyết (ẩn) chế tài.
+ Giả định: “Công dân nam, nữ”; “Nhà nước”.
+ Quy định: “bình đẳng về mọi mặt”; “có chính sách đảm bảo quyền và cơ hội bình đẳng giới”.
3. “Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm soát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt, giam, giữ người do luật định” (Điều 20, Hiến pháp 1992, sửa đổi 2013).
* Đáp án: – QPPL trên gồm 3 bộ phận: giả định, quy định, chế tài.
– Giả định: “Không ai”; “Việc bắt, giam, giữ người”.
+ Quy định: “nếu không có quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm soát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang”; “do luật định”.
+ Chế tài: “bị bắt”.
4. “Việc cầm cố bị hủy bỏ, nếu được bên nhận cầm cố đồng ý”. (Điều 304 Bộ luật Dân sự).
* Đáp án: – QPPL trên gồm 2 bộ phận: giả định và quy định, khuyết (ẩn) chế tài.
+ Giả định: “Việc cầm cố”.
+ Quy định: “hủy bỏ, nếu được bên nhận cầm cố đồng ý”.
5. “Việc thay đổi họ, tên, quốc tịch phải được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền về hộ tịch”. (Điều 65 Bộ luật Dân sự).
* Đáp án: – QPPL trên gồm 2 bộ phận: giả định và quy định, khuyết (ẩn) chế tài.
+ Giả định: “Việc thay đổi họ, tên, quốc tịch”.
+ Quy định: “phải được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền về hộ tịch”.
6. “Người nào giết người trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, thì phải bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến ba năm” (Điều 102 Bộ luật Hình sự 1992).
* Đáp án: – QPPL trên gồm 2 bộ phận: giả định và chế tài, khuyết (ẩn) quy định.
+ Giả định: “Người nào giết người trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng”
+ Chế tài: “thì phải bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến ba năm”.
7. “Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với nhà đầu tư có hành vi đầu tư kinh doanh vốn nhà nước khi chưa được cơ quan có thẩm quyền thẩm định chấp thuận sử dụng vốn nhà nước để đầu tư” (Khoản 1, điều 23 nghị định 53/2007/NĐ-CP).
* Đáp án: – QPPL trên gồm 2 bộ phận: giả định và chế tài, khuyết (ẩn) quy định.
+ Giả định: “đối với nhà đầu tư có hành vi đầu tư kinh doanh vốn nhà nước khi chưa được cơ quan có thẩm quyền thẩm định chấp thuận sử dụng vốn nhà nước để đầu tư”.
+ Chế tài:  “Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000”.
8. “Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người điều khiển, người ngồi trên xe máy không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ bảo hiểm không cài đúng quy cách khi tham gia giao thông trên đường bộ” (Điều 9, Nghị định 71/2012/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định 34/2010/NĐ-CP về vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ).
* Đáp án: – QPPL trên gồm 2 bộ phận: giả định và chế tài, khuyết (ẩn) quy định.
+ Giả định: “đối với người điều khiển, người ngồi trên xe máy không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ bảo hiểm không cài đúng quy cách khi tham gia giao thông trên đường bộ”.
+ Chế tài:  “Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng”.
9. “Người nào tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm” (Điều 194, Bộ luật Hình sự).
* Đáp án: – QPPL trên gồm 2 bộ phận: giả định và chế tài, khuyết (ẩn) quy định.
+ Giả định: “Người nào tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy”.
+ Chế tài:  “thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm”.
10. “Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu với nạn nhân trái với ý muốn của họ, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm” (Điều 111, Bộ luật Hình sự).
* Đáp án: – QPPL trên gồm 2 bộ phận: giả định và chế tài, khuyết (ẩn) quy định.
+ Giả định: “Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu với nạn nhân trái với ý muốn của họ”.
+ Chế tài:  “thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm”.
11. “Người bị tuyên bố mất tích trở về được nhận lại tài sản do người quản lý tài sản chuyển giao, sau khi đã thanh toán chi phí quản lý” (Điều 90, Bộ luật Dân sự 2005).
* Đáp án: – QPPL trên gồm 2 bộ phận: giả định và quy định, khuyết (ẩn) chế tài.
+ Giả định: “Người bị tuyên bố mất tích trở về”; “sau khi đã thanh toán chi phí quản lý”.
+ Quy định: “được nhận lại tài sản do người quản lý tài sản chuyển giao”.
Tag: thế giáo dục đại học thuộc luaật mới phân loại van là: thuvienphapluat gì? vaăn hóa 2015 vií dụ dựa 34 bao gồm: hanh 2018 anh biệt ủy hđnd ubnd “quy luật” mức so sánh pham nay khái niệm 2016 “quy luật”