Bộ Luật Dân Sự 33/2005/QH11

 Mục 6

 CHẤM DỨT NGHĨA VỤ DÂN SỰ

 Điều 374. Căn cứ chấm dứt nghĩa vụ dân sự

 Nghĩa vụ dân sự chấm dứt trong các trường hợp sau đây:

 1. Nghĩa vụ được hoàn thành;

 2. Theo thoả thuận của các bên;

 3. Bên có quyền miễn việc thực hiện nghĩa vụ;

 4. Nghĩa vụ được thay thế bằng nghĩa vụ dân sự khác;

 5. Nghĩa vụ được bù trừ;

 6. Bên có quyền và bên có nghĩa vụ hoà nhập làm một;

 7. Thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự đã hết;

 8. Bên có nghĩa vụ là cá nhân chết hoặc là pháp nhân, chủ thể khác chấm dứt mà nghĩa vụ phải do chính cá nhân, pháp nhân, chủ thể đó thực hiện;

 9. Bên có quyền là cá nhân chết mà quyền yêu cầu không thuộc di sản thừa kế hoặc là pháp nhân, chủ thể khác chấm dứt mà quyền yêu cầu không được chuyển giao cho pháp nhân, chủ thể khác;

 10. Vật đặc định là đối tượng của nghĩa vụ dân sự không còn và được thay thế bằng nghĩa vụ khác;

 11. Các trường hợp khác do pháp luật quy định.

 Điều 375. Hoàn thành nghĩa vụ dân sự

 Nghĩa vụ dân sự được hoàn thành khi bên có nghĩa vụ đã thực hiện toàn bộ hoặc một phần nghĩa vụ nhưng phần còn lại được bên có quyền miễn cho việc thực hiện tiếp.

 Điều 376. Hoàn thành nghĩa vụ dân sự trong trường hợp bên có quyền chậm tiếp nhận đối tượng của nghĩa vụ

 1. Khi bên có quyền chậm tiếp nhận đối tượng của nghĩa vụ là vật thì bên có nghĩa vụ phải bảo quản, giữ gìn vật hoặc có thể gửi tại nơi nhận gửi giữ và phải báo ngay cho bên có quyền. Bên chậm tiếp nhận phải chịu rủi ro và mọi chi phí về gửi giữ.

 Nghĩa vụ giao vật hoàn thành tại thời điểm vật đã được gửi giữ bảo đảm số lượng, chất lượng và các điều kiện khác mà các bên đã thoả thuận.

 2. Trong trường hợp đối tượng của nghĩa vụ là tiền hoặc giấy tờ có giá thì khi bên có quyền chậm tiếp nhận đối tượng của nghĩa vụ, người có nghĩa vụ cũng có thể gửi tại nơi nhận gửi giữ và phải báo ngay cho bên có quyền; nghĩa vụ được xem là đã hoàn thành kể từ thời điểm gửi giữ.

 Điều 377. Chấm dứt nghĩa vụ dân sự theo thoả thuận

 Các bên có thể thoả thuận chấm dứt nghĩa vụ dân sự bất cứ lúc nào, nhưng không được gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.

 Điều 378. Chấm dứt nghĩa vụ dân sự do được miễn thực hiện nghĩa vụ

 1. Nghĩa vụ dân sự chấm dứt khi bên có quyền miễn việc thực hiện nghĩa vụ cho bên có nghĩa vụ, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

 2. Khi nghĩa vụ dân sự có biện pháp bảo đảm được miễn thì việc bảo đảm cũng chấm dứt.

 Điều 379. Chấm dứt nghĩa vụ dân sự do được thay thế bằng nghĩa vụ dân sự khác

 1. Trong trường hợp các bên thoả thuận thay thế nghĩa vụ dân sự ban đầu bằng nghĩa vụ dân sự khác thì nghĩa vụ ban đầu chấm dứt.

 2. Nghĩa vụ dân sự cũng chấm dứt, nếu bên có quyền đã tiếp nhận tài sản hoặc công việc khác thay thế cho tài sản hoặc công việc đã thoả thuận trước.

 3. Trong trường hợp nghĩa vụ dân sự là nghĩa vụ cấp dưỡng, bồi thường thiệt hại do xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín và các nghĩa vụ khác gắn liền với nhân thân không thể chuyển cho người khác được thì không được thay thế bằng nghĩa vụ khác.

 Điều 380. Chấm dứt nghĩa vụ dân sự do bù trừ nghĩa vụ

 1. Trong trường hợp các bên cùng có nghĩa vụ về tài sản cùng loại đối với nhau thì khi cùng đến hạn họ không phải thực hiện nghĩa vụ đối với nhau và nghĩa vụ được xem là chấm dứt, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

 2. Trong trường hợp giá trị của tài sản hoặc công việc không tương đương với nhau thì các bên thanh toán cho nhau phần giá trị chênh lệch.

 3. Những vật được định giá thành tiền cũng có thể bù trừ với nghĩa vụ trả tiền.

 Điều 381. Những trường hợp không được bù trừ nghĩa vụ dân sự

 Nghĩa vụ dân sự không được bù trừ trong các trường hợp sau đây:

 1. Nghĩa vụ đang có tranh chấp;

 2. Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín;

 3. Nghĩa vụ cấp dưỡng;

 4. Các nghĩa vụ khác do pháp luật quy định.

 Điều 382. Chấm dứt nghĩa vụ dân sự do hoà nhập bên có nghĩa vụ và bên có quyền

 Khi bên có nghĩa vụ lại trở thành bên có quyền đối với chính nghĩa vụ đó thì nghĩa vụ dân sự chấm dứt.

 Điều 383. Chấm dứt nghĩa vụ dân sự do hết thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự

 Khi thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự đã hết thì nghĩa vụ chấm dứt.

 Điều 384. Chấm dứt nghĩa vụ dân sự khi bên có nghĩa vụ là cá nhân chết hoặc là pháp nhân, chủ thể khác chấm dứt

 Khi các bên có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định về việc nghĩa vụ phải do chính bên có nghĩa vụ thực hiện mà cá nhân chết hoặc pháp nhân, chủ thể khác chấm dứt thì nghĩa vụ cũng chấm dứt.

 Điều 385. Chấm dứt nghĩa vụ dân sự khi bên có quyền là cá nhân chết hoặc là pháp nhân, chủ thể khác chấm dứt

 Khi các bên có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định về việc nghĩa vụ được thực hiện chỉ dành cho cá nhân hoặc pháp nhân, chủ thể khác là bên có quyền mà cá nhân chết hoặc pháp nhân, chủ thể khác chấm dứt thì nghĩa vụ cũng chấm dứt.

 Điều 386. Chấm dứt nghĩa vụ dân sự khi vật đặc định không còn

 Nghĩa vụ giao vật chấm dứt trong trường hợp vật phải giao là vật đặc định không còn.

 Các bên có thể thoả thuận thay thế vật khác hoặc bồi thường thiệt hại.

 Điều 387. Chấm dứt nghĩa vụ dân sự trong trường hợp phá sản

 Trong trường hợp phá sản thì nghĩa vụ dân sự chấm dứt theo quy định của pháp luật về phá sản.

 Mục 7

 HỢP ĐỒNG DÂN SỰ

 I- GIAO KẾT HỢP ĐỒNG DÂN SỰ

 Điều 388. Khái niệm hợp đồng dân sự

 Hợp đồng dân sự là sự thoả thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.

 Điều 389. Nguyên tắc giao kết hợp đồng dân sự

 Việc giao kết hợp đồng dân sự phải tuân theo các nguyên tắc sau đây:

 1. Tự do giao kết hợp đồng nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội;

 2. Tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác, trung thực và ngay thẳng.

 Điều 390. Đề nghị giao kết hợp đồng

 1. Đề nghị giao kết hợp đồng là việc thể hiện rõ ý định giao kết hợp đồng và chịu sự ràng buộc về đề nghị này của bên đề nghị đối với bên đã được xác định cụ thể.

 2. Trong trường hợp đề nghị giao kết hợp đồng có nêu rõ thời hạn trả lời, nếu bên đề nghị lại giao kết hợp đồng với người thứ ba trong thời hạn chờ bên được đề nghị trả lời thì phải bồi thường thiệt hại cho bên được đề nghị mà không được giao kết hợp đồng nếu có thiệt hại phát sinh.

 Điều 391. Thời điểm đề nghị giao kết hợp đồng có hiệu lực

 1. Thời điểm đề nghị giao kết hợp đồng có hiệu lực được xác định như sau:

 a) Do bên đề nghị ấn định;

 b) Nếu bên đề nghị không ấn định thì đề nghị giao kết hợp đồng có hiệu lực kể từ khi bên được đề nghị nhận được đề nghị đó.

 2. Các trường hợp sau đây được coi là đã nhận được đề nghị giao kết hợp đồng:

 a) Đề nghị được chuyển đến nơi cư trú, nếu bên được đề nghị là cá nhân; được chuyển đến trụ sở, nếu bên được đề nghị là pháp nhân;

 b) Đề nghị được đưa vào hệ thống thông tin chính thức của bên được đề nghị;

 c) Khi bên được đề nghị biết được đề nghị giao kết hợp đồng thông qua các phương thức khác.

 Điều 392. Thay đổi, rút lại đề nghị giao kết hợp đồng

 1. Bên đề nghị giao kết hợp đồng có thể thay đổi, rút lại đề nghị giao kết hợp đồng trong các trường hợp sau đây:

 a) Nếu bên được đề nghị nhận được thông báo về việc thay đổi hoặc rút lại đề nghị trước hoặc cùng với thời điểm nhận được đề nghị;

 b) Điều kiện thay đổi hoặc rút lại đề nghị phát sinh trong trường hợp bên đề nghị có nêu rõ về việc được thay đổi hoặc rút lại đề nghị khi điều kiện đó phát sinh.

 2. Khi bên đề nghị thay đổi nội dung của đề nghị thì đề nghị đó được coi là đề nghị mới.

 Điều 393. Hủy bỏ đề nghị giao kết hợp đồng

 Trong trường hợp bên đề nghị giao kết hợp đồng thực hiện quyền hủy bỏ đề nghị do đã nêu rõ quyền này trong đề nghị thì phải thông báo cho bên được đề nghị và thông báo này chỉ có hiệu lực khi bên được đề nghị nhận được thông báo trước khi bên được đề nghị trả lời chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng.

 Điều 394. Chấm dứt đề nghị giao kết hợp đồng

 Đề nghị giao kết hợp đồng chấm dứt trong các trường hợp sau đây:

 1. Bên nhận được đề nghị trả lời không chấp nhận;

 2. Hết thời hạn trả lời chấp nhận;

 3. Khi thông báo về việc thay đổi hoặc rút lại đề nghị có hiệu lực;

 4. Khi thông báo về việc hủy bỏ đề nghị có hiệu lực;

 5. Theo thoả thuận của bên đề nghị và bên nhận được đề nghị trong thời hạn chờ bên được đề nghị trả lời.

 Điều 395. Sửa đổi đề nghị do bên được đề nghị đề xuất

 Khi bên được đề nghị đã chấp nhận giao kết hợp đồng, nhưng có nêu điều kiện hoặc sửa đổi đề nghị thì coi như người này đã đưa ra đề nghị mới.

 Điều 396. Chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng

 Chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng là sự trả lời của bên được đề nghị đối với bên đề nghị về việc chấp nhận toàn bộ nội dung của đề nghị.

 Điều 397. Thời hạn trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng

 1. Khi bên đề nghị có ấn định thời hạn trả lời thì việc trả lời chấp nhận chỉ có hiệu lực khi được thực hiện trong thời hạn đó; nếu bên đề nghị giao kết hợp đồng nhận được trả lời khi đã hết thời hạn trả lời thì chấp nhận này được coi là đề nghị mới của bên chậm trả lời.

 Trong trường hợp thông báo chấp nhận giao kết hợp đồng đến chậm vì lý do khách quan mà bên đề nghị biết hoặc phải biết về lý do khách quan này thì thông báo chấp nhận giao kết hợp đồng vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp bên đề nghị trả lời ngay không đồng ý với chấp nhận đó của bên được đề nghị.

 2. Khi các bên trực tiếp giao tiếp với nhau, kể cả trong trường hợp qua điện thoại hoặc qua các phương tiện khác thì bên được đề nghị phải trả lời ngay có chấp nhận hoặc không chấp nhận, trừ trường hợp có thoả thuận về thời hạn trả lời.

 Điều 398. Trường hợp bên đề nghị giao kết hợp đồng chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự

 Trong trường hợp bên đề nghị giao kết hợp đồng chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự sau khi bên được đề nghị giao kết hợp đồng trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng thì đề nghị giao kết hợp đồng vẫn có giá trị.

 Điều 399. Trường hợp bên được đề nghị giao kết hợp đồng chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự

 Trong trường hợp bên được đề nghị giao kết hợp đồng chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự sau khi trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng thì việc trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng vẫn có giá trị.

 Điều 400. Rút lại thông báo chấp nhận giao kết hợp đồng

 Bên được đề nghị giao kết hợp đồng có thể rút lại thông báo chấp nhận giao kết hợp đồng, nếu thông báo này đến trước hoặc cùng với thời điểm bên đề nghị nhận được trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng.

 Điều 401. Hình thức hợp đồng dân sự

 1. Hợp đồng dân sự có thể được giao kết bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể, khi pháp luật không quy định loại hợp đồng đó phải được giao kết bằng một hình thức nhất định.

 2. Trong trường hợp pháp luật có quy định hợp đồng phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực, phải đăng ký hoặc xin phép thì phải tuân theo các quy định đó.

 Hợp đồng không bị vô hiệu trong trường hợp có vi phạm về hình thức, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

 Điều 402. Nội dung của hợp đồng dân sự

 Tuỳ theo từng loại hợp đồng, các bên có thể thoả thuận về những nội dung sau đây:

 1. Đối tượng của hợp đồng là tài sản phải giao, công việc phải làm hoặc không được làm;

 2. Số lượng, chất lượng;

 3. Giá, phương thức thanh toán;

 4. Thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng;

 5. Quyền, nghĩa vụ của các bên;

 6. Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng;

 7. Phạt vi phạm hợp đồng;

 8. Các nội dung khác.

 Điều 403. Địa điểm giao kết hợp đồng dân sự

 Địa điểm giao kết hợp đồng dân sự do các bên thoả thuận; nếu không có thoả thuận thì địa điểm giao kết hợp đồng dân sự là nơi cư trú của cá nhân hoặc trụ sở của pháp nhân đã đưa ra đề nghị giao kết hợp đồng.

 Điều 404. Thời điểm giao kết hợp đồng dân sự

 1. Hợp đồng dân sự được giao kết vào thời điểm bên đề nghị nhận được trả lời chấp nhận giao kết.

 2. Hợp đồng dân sự cũng xem như được giao kết khi hết thời hạn trả lời mà bên nhận được đề nghị vẫn im lặng, nếu có thoả thuận im lặng là sự trả lời chấp nhận giao kết.

 3. Thời điểm giao kết hợp đồng bằng lời nói là thời điểm các bên đã thỏa thuận về nội dung của hợp đồng.

 4. Thời điểm giao kết hợp đồng bằng văn bản là thời điểm bên sau cùng ký vào văn bản.

 Điều 405. Hiệu lực của hợp đồng dân sự

 Hợp đồng được giao kết hợp pháp có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

 Điều 406. Các loại hợp đồng dân sự chủ yếu

 Hợp đồng gồm các loại chủ yếu sau đây:

 1. Hợp đồng song vụ là hợp đồng mà mỗi bên đều có nghĩa vụ đối với nhau;

 2. Hợp đồng đơn vụ là hợp đồng mà chỉ một bên có nghĩa vụ;

 3. Hợp đồng chính là hợp đồng mà hiệu lực không phụ thuộc vào hợp đồng phụ;

 4. Hợp đồng phụ là hợp đồng mà hiệu lực phụ thuộc vào hợp đồng chính;

 5. Hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba là hợp đồng mà các bên giao kết hợp đồng đều phải thực hiện nghĩa vụ và người thứ ba được hưởng lợi ích từ việc thực hiện nghĩa vụ đó;

 6. Hợp đồng có điều kiện là hợp đồng mà việc thực hiện phụ thuộc vào việc phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt một sự kiện nhất định.

 Điều 407. Hợp đồng dân sự theo mẫu

 1. Hợp đồng theo mẫu là hợp đồng gồm những điều khoản do một bên đưa ra theo mẫu để bên kia trả lời trong một thời gian hợp lý; nếu bên được đề nghị trả lời chấp nhận thì coi như chấp nhận toàn bộ nội dung hợp đồng theo mẫu mà bên đề nghị đã đưa ra.

 2. Trong trường hợp hợp đồng theo mẫu có điều khoản không rõ ràng thì bên đưa ra hợp đồng theo mẫu phải chịu bất lợi khi giải thích điều khoản đó.

 3. Trong trường hợp hợp đồng theo mẫu có điều khoản miễn trách nhiệm của bên đưa ra hợp đồng theo mẫu, tăng trách nhiệm hoặc loại bỏ quyền lợi chính đáng của bên kia thì điều khoản này không có hiệu lực, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

 Điều 408. Phụ lục hợp đồng

 1. Kèm theo hợp đồng có thể có phụ lục để quy định chi tiết một số điều khoản của hợp đồng. Phụ lục hợp đồng có hiệu lực như hợp đồng. Nội dung của phụ lục hợp đồng không được trái với nội dung của hợp đồng.

 2. Trong trường hợp phụ lục hợp đồng có điều khoản trái với nội dung của điều khoản trong hợp đồng thì điều khoản này không có hiệu lực, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trong trường hợp các bên chấp nhận phụ lục hợp đồng có điều khoản trái với điều khoản trong hợp đồng thì coi như điều khoản đó trong hợp đồng đã được sửa đổi.

 Điều 409. Giải thích hợp đồng dân sự

 1. Khi hợp đồng có điều khoản không rõ ràng thì không chỉ dựa vào ngôn từ của hợp đồng mà còn phải căn cứ vào ý chí chung của các bên để giải thích điều khoản đó.

 2. Khi một điều khoản của hợp đồng có thể được hiểu theo nhiều nghĩa thì phải chọn nghĩa nào làm cho điều khoản đó khi thực hiện có lợi nhất cho các bên.

 3. Khi hợp đồng có ngôn từ có thể hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau thì phải giải thích theo nghĩa phù hợp nhất với tính chất của hợp đồng.

 4. Khi hợp đồng có điều khoản hoặc ngôn từ khó hiểu thì phải được giải thích theo tập quán tại địa điểm giao kết hợp đồng.

 5. Khi hợp đồng thiếu một số điều khoản thì có thể bổ sung theo tập quán đối với loại hợp đồng đó tại địa điểm giao kết hợp đồng.

 6. Các điều khoản trong hợp đồng phải được giải thích trong mối liên hệ với nhau, sao cho ý nghĩa của các điều khoản đó phù hợp với toàn bộ nội dung hợp đồng.

 7. Trong trường hợp có sự mâu thuẫn giữa ý chí chung của các bên với ngôn từ sử dụng trong hợp đồng thì ý chí chung của các bên được dùng để giải thích hợp đồng.

 8. Trong trường hợp bên mạnh thế đưa vào hợp đồng nội dung bất lợi cho bên yếu thế thì khi giải thích hợp đồng phải theo hướng có lợi cho bên yếu thế.

 Điều 410. Hợp đồng dân sự vô hiệu

 1. Các quy định về giao dịch dân sự vô hiệu từ Điều 127 đến Điều 138 của Bộ luật này cũng được áp dụng đối với hợp đồng vô hiệu.

 2. Sự vô hiệu của hợp đồng chính làm chấm dứt hợp đồng phụ, trừ trường hợp các bên có thoả thuận hợp đồng phụ được thay thế hợp đồng chính. Quy định này không áp dụng đối với các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự.

 3. Sự vô hiệu của hợp đồng phụ không làm chấm dứt hợp đồng chính, trừ trường hợp các bên thoả thuận hợp đồng phụ là một phần không thể tách rời của hợp đồng chính.

 Điều 411. Hợp đồng dân sự vô hiệu do có đối tượng không thể thực hiện được

 1. Trong trường hợp ngay từ khi ký kết, hợp đồng có đối tượng không thể thực hiện được vì lý do khách quan thì hợp đồng này bị vô hiệu.

 2. Trong trường hợp khi giao kết hợp đồng mà một bên biết hoặc phải biết về việc hợp đồng có đối tượng không thể thực hiện được, nhưng không thông báo cho bên kia biết nên bên kia đã giao kết hợp đồng thì phải bồi thường thiệt hại cho bên kia, trừ trường hợp bên kia biết hoặc phải biết về việc hợp đồng có đối tượng không thể thực hiện được.

 3. Quy định tại khoản 2 Điều này cũng được áp dụng đối với trường hợp hợp đồng có một hoặc nhiều phần đối tượng không thể thực hiện được, nhưng phần còn lại của hợp đồng vẫn có giá trị pháp lý.

 II- THỰC HIỆN HỢP ĐỒNG DÂN SỰ

 Điều 412. Nguyên tắc thực hiện hợp đồng dân sự

 Việc thực hiện hợp đồng phải tuân theo các nguyên tắc sau đây:

 1. Thực hiện đúng hợp đồng, đúng đối tượng, chất lượng, số lượng, chủng loại, thời hạn, phương thức và các thoả thuận khác;

 2. Thực hiện một cách trung thực, theo tinh thần hợp tác và có lợi nhất cho các bên, bảo đảm tin cậy lẫn nhau;

 3. Không được xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.

 Điều 413. Thực hiện hợp đồng đơn vụ

 Đối với hợp đồng đơn vụ, bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ đúng như đã thoả thuận; chỉ được thực hiện trước hoặc sau thời hạn nếu được bên có quyền đồng ý.

 Điều 414. Thực hiện hợp đồng song vụ

 1. Trong hợp đồng song vụ, khi các bên đã thoả thuận thời hạn thực hiện nghĩa vụ thì mỗi bên phải thực hiện nghĩa vụ của mình khi đến hạn; không được hoãn thực hiện với lý do bên kia chưa thực hiện nghĩa vụ đối với mình, trừ trường hợp quy định tại Điều 415 và Điều 417 của Bộ luật này.

 2. Trong trường hợp các bên không thoả thuận bên nào thực hiện nghĩa vụ trước thì các bên phải đồng thời thực hiện nghĩa vụ đối với nhau; nếu nghĩa vụ không thể thực hiện đồng thời thì nghĩa vụ nào khi thực hiện mất nhiều thời gian hơn thì nghĩa vụ đó phải được thực hiện trước.

 Điều 415. Quyền hoãn thực hiện nghĩa vụ dân sự trong hợp đồng song vụ

 1. Bên phải thực hiện nghĩa vụ trước có quyền hoãn thực hiện nghĩa vụ, nếu tài sản của bên kia đã bị giảm sút nghiêm trọng đến mức không thể thực hiện được nghĩa vụ như đã cam kết cho đến khi bên kia có khả năng thực hiện được nghĩa vụ hoặc có người bảo lãnh.

 2. Bên phải thực hiện nghĩa vụ sau có quyền hoãn thực hiện nghĩa vụ đến hạn nếu bên thực hiện nghĩa vụ trước chưa thực hiện nghĩa vụ của mình khi đến hạn.

 Điều 416. Cầm giữ tài sản trong hợp đồng song vụ

 1. Cầm giữ tài sản là việc bên có quyền (sau đây gọi là bên cầm giữ) đang chiếm giữ hợp pháp tài sản là đối tượng của hợp đồng song vụ được cầm giữ tài sản khi bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ hoặc thực hiện nghĩa vụ không đúng theo thỏa thuận.

 2. Bên cầm giữ có quyền và nghĩa vụ sau đây:

 a) Cầm giữ toàn bộ hoặc một phần tài sản trong trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này;

 b) Thu hoa lợi từ tài sản cầm giữ và được dùng để bù trừ nghĩa vụ;

 c) Bảo quản, giữ gìn tài sản cầm giữ;

 d) Yêu cầu bên có tài sản bị cầm giữ thanh toán các chi phí cần thiết cho việc bảo quản, giữ gìn tài sản đó.

 3. Quyền cầm giữ chấm dứt trong các trường hợp sau đây:

 a) Theo thỏa thuận của các bên;

 b) Bên cầm giữ vi phạm nghĩa vụ bảo quản, giữ gìn tài sản cầm giữ;

 c) Bên có tài sản bị cầm giữ hoàn thành nghĩa vụ.

 Điều 417. Nghĩa vụ không thể thực hiện được do lỗi của bên có quyền

 Trong hợp đồng song vụ, khi một bên không thực hiện được nghĩa vụ của mình do lỗi của bên kia thì có quyền yêu cầu bên kia vẫn phải thực hiện nghĩa vụ đối với mình hoặc hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

 Điều 418. Không thực hiện được nghĩa vụ nhưng không do lỗi của các bên

 Trong hợp đồng song vụ, nếu một bên không thực hiện được nghĩa vụ mà các bên đều không có lỗi thì bên không thực hiện được nghĩa vụ không có quyền yêu cầu bên kia thực hiện nghĩa vụ đối với mình. Trường hợp một bên đã thực hiện được một phần nghĩa vụ thì có quyền yêu cầu bên kia thực hiện phần nghĩa vụ tương ứng đối với mình.

 Điều 419. Thực hiện hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba

 Khi thực hiện hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba thì người thứ ba có quyền trực tiếp yêu cầu bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ đối với mình; nếu các bên có tranh chấp về việc thực hiện hợp đồng thì người thứ ba không có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cho đến khi tranh chấp được giải quyết.

 Bên có quyền cũng có thể yêu cầu bên có nghĩa vụ thực hiện hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba.

 Điều 420. Quyền từ chối của người thứ ba

 Trong trường hợp người thứ ba từ chối lợi ích của mình trước khi bên có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ thì bên có nghĩa vụ không phải thực hiện nghĩa vụ, nhưng phải báo cho bên có quyền và hợp đồng được coi là bị hủy bỏ, các bên phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu người thứ ba từ chối lợi ích của mình sau khi bên có nghĩa vụ đã thực hiện nghĩa vụ thì nghĩa vụ được xem là đã hoàn thành và bên có quyền vẫn phải thực hiện cam kết đối với bên có nghĩa vụ.

 Điều 421. Không được sửa đổi hoặc hủy bỏ hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba

 Khi người thứ ba đã đồng ý hưởng lợi ích thì dù hợp đồng chưa được thực hiện, các bên giao kết hợp đồng cũng không được sửa đổi hoặc hủy bỏ hợp đồng, trừ trường hợp được người thứ ba đồng ý.

 Điều 422. Thực hiện hợp đồng có thoả thuận phạt vi phạm

 1. Phạt vi phạm là sự thoả thuận giữa các bên trong hợp đồng, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm.

 2. Mức phạt vi phạm do các bên thoả thuận.

 3. Các bên có thể thoả thuận về việc bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải nộp tiền phạt vi phạm mà không phải bồi thường thiệt hại hoặc vừa phải nộp phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại; nếu không có thoả thuận trước về mức bồi thường thiệt hại thì phải bồi thường toàn bộ thiệt hại.

 Trong trường hợp các bên không có thoả thuận về bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải nộp tiền phạt vi phạm.

 III- SỬA ĐỔI, CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG DÂN SỰ

 Điều 423. Sửa đổi hợp đồng dân sự

 1. Các bên có thể thoả thuận sửa đổi hợp đồng và giải quyết hậu quả của việc sửa đổi, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

 2. Trong trường hợp hợp đồng được lập thành văn bản, được công chứng, chứng thực, đăng ký hoặc cho phép thì việc sửa đổi hợp đồng cũng phải tuân theo hình thức đó.

 Điều 424. Chấm dứt hợp đồng dân sự

 Hợp đồng chấm dứt trong các trường hợp sau đây:

 1. Hợp đồng đã được hoàn thành;

 2. Theo thoả thuận của các bên;

 3. Cá nhân giao kết hợp đồng chết, pháp nhân hoặc chủ thể khác chấm dứt mà hợp đồng phải do chính cá nhân, pháp nhân hoặc chủ thể đó thực hiện;

 4. Hợp đồng bị hủy bỏ, bị đơn phương chấm dứt thực hiện;

 5. Hợp đồng không thể thực hiện được do đối tượng của hợp đồng không còn và các bên có thể thoả thuận thay thế đối tượng khác hoặc bồi thường thiệt hại;

 6. Các trường hợp khác do pháp luật quy định.

 Điều 425. Hủy bỏ hợp đồng dân sự

 1. Một bên có quyền hủy bỏ hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại khi bên kia vi phạm hợp đồng là điều kiện hủy bỏ mà các bên đã thoả thuận hoặc pháp luật có quy định.

 2. Bên hủy bỏ hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết về việc hủy bỏ, nếu không thông báo mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.

 3. Khi hợp đồng bị hủy bỏ thì hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết và các bên phải hoàn trả cho nhau tài sản đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải trả bằng tiền.

 4. Bên có lỗi trong việc hợp đồng bị hủy bỏ phải bồi thường thiệt hại.

 Điều 426. Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng dân sự

 1. Một bên có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng nếu các bên có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định.

 2. Bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết về việc chấm dứt hợp đồng, nếu không thông báo mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.

 3. Khi hợp đồng bị đơn phương chấm dứt thực hiện thì hợp đồng chấm dứt từ thời điểm bên kia nhận được thông báo chấm dứt. Các bên không phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ. Bên đã thực hiện nghĩa vụ có quyền yêu cầu bên kia thanh toán.

 4. Bên có lỗi trong việc hợp đồng bị đơn phương chấm dứt phải bồi thường thiệt hại.

 Điều 427. Thời hiệu khởi kiện về hợp đồng dân sự

 Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Toà án giải quyết tranh chấp hợp đồng dân sự là hai năm, kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, các chủ thể khác bị xâm phạm.