Những điều bắt buộc công ty cổ phần phải có

 Những điều bắt buộc công ty cổ phần phải có

  1. Công ty cổ phần bắt buộc phải có loại cổ phần nào ?

 Điều 113 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định về các loại cổ phần của công ty cổ phần như sau:

 Điều 113. Các loại cổ phần

 1.Công ty cổ phần phải có cổ phần phổ thông. Người sở hữu cổ phần phổ thông là cổ đông phổ thông.

 2.Ngoài cổ phần phổ thông, công ty cổ phần có thể có cổ phần ưu đãi. Người sở hữu cổ phần ưu đãi gọi là cổ đông ưu đãi. Cổ phần ưu đãi gồm các loại sau đây:

 a) Cổ phần ưu đãi biểu quyết;

 b) Cổ phần ưu đãi cổ tức;

 c) Cổ phần ưu đãi hoàn lại;

 d) Cổ phần ưu đãi khác do Điều lệ công ty quy định.

 3.Chỉ có tổ chức được Chính phủ ủy quyền và cổ đông sáng lập được quyền nắm giữ cổ phần ưu đãi biểu quyết. Ưu đãi biểu quyết của cổ đông sáng lập chỉ có hiệu lực trong03 năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Sau thời hạn đó, cổ phần ưu đãi biểu quyết của cổ đông sáng lập chuyển đổi thành cổ phần phổ thông.

 4.Người được quyền mua cổ phần ưu đãi cổ tức, cổ phần ưu đãi hoàn lại và cổ phần ưu đãi khác do Điều lệ công ty quy định hoặc do Đại hội đồng cổ đông quyếtđịnh.

 5.Mỗi cổ phần của cùng một loại đều tạo cho người sở hữu nó các quyền, nghĩa vụ và lợi ích ngang nhau.

 6.Cổ phần phổ thông không thể chuyển đổi thành cổ phần ưu đãi. Cổ phần ưu đãi có thể chuyển đổi thành cổ phần phổ thông theo nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông.

  Như vậy cổ phần phổ thông là loại cổ phần bắt buộc mà công ty cổ phần phải có.

  1. Công ty cổ phần bắt buộc phải có cổ đông sáng lập hay không

 Điều 119 Luật doanh nghiệp 2014 quy định như sau:

 Điều 119. Cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập

 1.Công ty cổ phần mới thành lập phải có ít nhất 03 cổ đông sáng lập; công ty cổ phần được chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước hoặc từ công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc được chia, tách, hợp nhất, sáp nhập từ công ty cổ phần khác không nhất thiết phải có cổ đông sáng lập.

 Trường hợp không có cổ đông sáng lập, Điều lệ công ty cổ phần trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp phải có chữ ký của người đại diện theo pháp luật hoặc các cổ đông phổ thông của công ty đó.

 2.Các cổ đông sáng lập phải cùng nhau đăng ký mua ít nhất 20% tổng số cổ phần phổ thông được quyền chào bán tại thời điểmđăng ký doanh nghiệp.

 3.Trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ đông sáng lập có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho cổ đông sáng lập khác và chỉ được chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông. Trường hợp này, cổ đông dự định chuyển nhượng cổ phần không có quyền biểu quyết về việc chuyển nhượng các cổ phần đó.

 4.Các hạn chế đối với cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập được bãi bỏ sau thời hạn 03 năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Các hạn chế của quy định này không áp dụng đối với cổ phần mà cổ đông sáng lập có thêm sau khi đăng ký thành lập doanh nghiệp và cổ phần mà cổ đông sáng lập chuyển nhượng cho người khác không phải là cổ đông sáng lập của công ty.

 Như vậy, công ty cổ phần mới thành lập thì bắt buộc phải có tối thiểu 03 cổ đông sáng lập. Trường hợp công ty cổ phần được chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước hoặc từ công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc được chia, tách, hợp nhất, sáp nhập từ công ty cổ phần khác không nhất thiết phải có cổ đông sáng lập.

  1. Công ty cổ phần bắt buộc phải có ban kiểm soát

 Điều 134 Luật doanh nghiệp quy định về cơ cấu tổ chức quản lý của công ty cổ phần như sau:

 Điều 134. Cơ cấu tổ chức quản lý công ty cổ phần

 1.Công ty cổ phần có quyền lựa chọn tổ chức quản lý và hoạt động theo một trong hai mô hình sau đây, trừ trường hợp pháp luật về chứng khoáncó quy định khác:

 a) Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp công ty cổ phần có dưới 11 cổ đông và các cổ đông là tổ chức sở hữu dưới 50% tổng số cổ phần của công ty thì không bắt buộc phải có Ban kiểm soát;

 b) Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp này ít nhất 20% số thành viên Hội đồng quản trị phải là thành viên độc lập và có Ban kiểm toán nội bộ trực thuộc Hội đồng quản trị. Các thành viên độc lập thực hiện chức năng giám sát và tổ chức thực hiện kiểm soát đối với việc quản lý điều hành công ty.

 2.Trường hợp chỉ có một người đại diện theo pháp luật, thì Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật của công ty; trường hợp Điều lệ không có quy định khác thì Chủ tịch Hội đồng quản trị là người đại diện theo pháp luật của công ty. Trường hợp có hơn một người đại diện theo pháp luật, thì Chủ tịch Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc đương nhiên là người đại diện theo pháp luật của công ty.

 Như vậy, đối với những công ty cổ phần có từ 11 cổ đông trở lên hoặc có cổ đông là tổ chức sở hữu trên 50% tổng số cổ phần của công ty thì bắt buộc phải có Ban kiểm soát. Trường hợp công ty cổ phần có dưới 11 cổ đông và các cổ đông là tổ chức sở hữu dưới 50% tổng số cổ phần của công ty thì không bắt buộc phải có Ban kiểm soát, công ty có thể có hoặc không có ban kiểm soát.

  1. Công ty cổ phần nào bắt buộc phải có kế toán trưởng

 Căn cứ quy định tại Nghị định 174/2016/ NĐ-CP  thì các doanh nghiệp sau đây  có thể không bắt buộc có kế toán trưởng:

 – Các doanh nghiệp (trừ doanh nghiệp siêu nhỏ) phải bố trí kế toán trưởng

 – Các doanh nghiệp mới thành lập thì được bố trí người phụ trách kế toán trong thời gian tối đa là 12 tháng. Hết 12 tháng doanh nghiệp phải bố trí người làm kế toán trưởng.

 – Các doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định của Luật về hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ được bố trí người phụ trách kế toán thay cho kế toán trưởng

 Như vậy, doanh nghiệp phải bố trí kế toán trưởng, ngoại trừ doanh nghiệp siêu nhỏ. Trường hợp doanh nghiệp mới thành lập chưa bố trí được kế toán trưởng có thể bố trí người phụ trách kế toán trong thời gian 12 tháng, hết thời gian này thì bố trí kế toán trưởng theo quy định của Luật kế toán.

  1. Công ty cổ phần có bắt buộc phải lập tổ chức công đoàn

 Tại Điều 16 Điều lệ Công đoàn Việt Nam quy định về điều kiện thành lập công đoàn cơ sở như sau:

 “1. Điều kiện thành lập Công đoàn cơ sở:

  1. Công đoàn cơ sở là tổ chức cơ sở của Công đoàn, được thành lập ở các Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp khi có ít nhất năm đoàn viên Công đoàn hoặc năm người lao động có đơn tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam.” 

 Điều 16 thành lập công đoàn cơ sở được được hướng dẫn 238/HD-TLĐ năm 2014 hướng dẫn như sau: 

 “12. Điều kiện thành lập và hình thức tổ chức của công đoàn cơ sở theo Điều 16 thực hiện như sau:

 12.1. Tổ chức cơ sở của công đoàn là nền tảng của tổ chức công đoàn.

  1. Các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế; các hợp tác xã có sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động; cơ quan xã, phường, thị trấn; các cơ quan nhà nước; các đơn vị sự nghiệp công lập, ngoài công lập có hạch toán độc lập; các chi nhánh, văn phòng đại diện của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài có sử dụng lao động là người Việt Nam được thành lập công đoàn cơ sở khi có đủ hai điều kiện:

 – Có ít nhất năm đoàn viên công đoàn hoặc năm người lao động có đơn tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam.

 – Có tư cách pháp nhân”

 Như vậy, theo quy định như trên, trường hợp công ty cổ phần có 10 lao động thì công ty cổ phần sẽ đủ điều kiện thành lập công đoàn nếu thuộc hai trường hợp sau:

 Thứ 1: Trong 10 lao động của công ty thì có ít nhất năm công đoàn viên

 Thứ 2: Có ít nhất 5 người lao động có đơn tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam

      Do đó, công ty cổ phần nếu có một trong hai điều kiện trên thì công ty cổ phần đủ điều kiện thành lập Công đoàn cơ sở.

 Từ những quy định trên có thể thấy điều bắt buộc công ty cổ phần phải có đó chính là cổ phần phổ thông, các loại cổ phần khác, cổ đông sáng lập, ban kiểm soát, kế toán trưởng, tổ chức công đoàn thì tùy từng trường hợp mà công ty cổ phần có thể có hoặc không có.

 

 

 tag: bảo hiểm cháy nổ quỹ trữ bao nhiêu đóng bhxh phát tỷ tnhh cụ tính vĩ