Thực trạng văn hoá doanh nghiệp ở việt nam

 Ở Việt Nam cũng như trên thế giới, nguồn nhân lực của doanh nghiệp là con người mà văn hóa doanh nghiệp là sự liên kết và nhân lên nhiều lần các giá trị của từng nguồn nhân lực riêng lẻ tổng hợp lại. Không những thế, văn hóa doanh nghiệp còn được thể hiện qua phong cách của người lãnh đạo đứng đầu các vị trí của doanh nghiệp và tác phong làm việc của mọi nhân viên. Bởi vậy, đối tác khi quan hệ thì ngoài việc quan tâm tới lợi nhuận của công ty họ còn đánh giá doanh nghiệp qua văn hóa của doanh nghiệp đó.

 Đất nước Việt Nam ta có rất nhiều lợi thế để có thể xây dựng được một nền văn hóa doanh nghiệp mạnh. Văn hóa dân tộc Việt Nam từ xưa tới nay luôn giữ vững các đặc điểm nổi bật sau: cần cù, chăm chỉ, sáng tạo, yêu hòa bình, luôn hướng tới sự hòa hợp, có tinh thần cầu tiến cầu thực, có ý chí phấn đấu, tự cường tự lực để vươn lên. Nó là những ưu điểm mà văn hóa doanh nghiệp tại Việt Nam cần phải phát huy triệt để trong doanh nghiệp, thúc đẩy năng lực và năng suất làm việc của nhân viên.

 Tuy nhiên, nhìn chung, văn hóa công sở và văn hóa doanh nghiệp ở nước ta vẫn còn có những mặt hạn chế nhất định. Không ít doanh nghiệp xây dựng văn hóa nhưng phần lớn mới dừng lại ở bề nổi, phong trào, nghi lễ còn phần chìm, cốt lõi quan trọng nhất của văn hóa doanh nghiệp như thái độ, trách nhiệm, niềm tin, tiêu chuẩn chưa thực hiện được bài bản, rõ ràng. Thêm vào đó, người Việt còn bị tư tưởng ngại thay đổi, không dám đổi mới, vượt ra khỏi “vùng an toàn” để đạt được sự phát triển cao hơn, còn cổ hủ trong việc tôn sùng kinh nghiệm và thói quen thủ cựu. Nó sẽ làm ảnh hưởng khi xây dựng văn hóa doanh nghiệp ở Việt Nam, cản trở doanh nghiệp hội nhập và thích nghi với môi trường kinh doanh toàn cầu. Doanh nghiệp khó có thể đột phá, phát triển kinh tế và vị trí doanh nghiệp lên tầm cao mới.

 Trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới ngày một sâu rộng, Việt Nam cần chú trọng xây dựng nền văn hóa doanh nghiệp đặt chữ tín làm tôn chỉ, giữ gìn uy tín, thương hiệu của mình, tôn trọng và ứng xử có trách nhiệm với khách hàng, góp phần xây dựng cộng đồng phát triển bền vững. Thực tế, trên thế giới đã xuất hiện nhiều doanh nghiệp đề cao những tiêu chí như vậy. Điển hình như mới đây, hãng Samsung Hàn Quốc cũng cho thu hồi tất cả sản phẩm thuộc dòng điện thoại di động Samsung Galaxy Note 7 trên toàn cầu vì lỗi gây nguy hiểm cho người sử dụng… Họ đã coi phát triển bền vững, ứng xử văn minh với người tiêu dùng không chỉ là nguyên tắc hành động, triết lý kinh doanh mà còn là yếu tố quyết định thành bại trên thương trường, tất cả đều xuất phát từ một nền văn hóa doanh nghiệp lành mạnh, vì lợi ích nhân sinh xã hội, tạo thành một bản sắc văn hóa đặc thù không những khiến khách hàng tin tưởng mà còn tự làm mình nổi bật hơn so với các doanh nghiệp khác.

 Ở các nước lớn trên thế giới, văn hóa doanh nghiệp vô cùng được coi trọng, bởi nó đại diện cho những ứng xử của doanh nghiệp đối với thế giới bên ngoài. Xây dựng và phát triển một nền văn hóa doanh nghiệp mạnh không chỉ làm cho nền kinh tế Việt Nam mang một bản sắc riêng, không lẫn với bất kỳ quốc gia nào mà còn giúp cho các doanh nghiệp của chúng ta đứng vững và hoà nhập với xu thế phát triển kinh tế trên toàn cầu.

 

 

 

 Tag: hoá gì vai trò ví dụ về trạng