Vi phạm hợp đồng là gì – Xử lý như thế nào

Vi phạm hợp đồng là gì

 Vi phạm hợp đồng là hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng những nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng.

 Nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng là những nghĩa vụ đã được ghi nhận trong các điều khoản của hợp đồng hoặc được pháp luật điều chỉnh hợp đồng đó quy định.

 Hành vi vi phạm hợp đồng chỉ xảy ra khi hợp đồng được giao kết hợp pháp và đã có hiệu lực pháp luật. Hợp đồng hợp pháp là hợp đồng thoả mãn các yếu tố căn bản như thể hiện sự tự do ý chí của các bên tham gia giao kết (không có dấu hiệu của ép buộc hoặc lừa dối), hợp đồng được kí kết giữa các chủ thể có đầy đủ năng lực kí kết hợp đồng. Tùy theo từng loại hợp đồng cụ thể mà điều kiện về năng lực chủ thể có thể khác nhau. Chẳng hạn, đối với những hợp đồng không nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt, tiêu dùng hàng ngày, phù hợp với lứa tuổi thì người chưa thành niên có thể không được tham gia giao kết; nội dung và hợp đồng không trái pháp luật và hình thức của hợp đồng phù hợp với các quy định của pháp luật. Hợp đồng không có đầy đủ các yếu tố trên sẽ vô hiệu và không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên giao kết hợp đồng.

 Không thể coi là có hành vi vi phạm hợp đồng nếu bên thực hiện hành vi không có nghĩa vụ thực hiện hành vi đó. Chẳng hạn, trong hợp đồng mua bán hàng hoá, nếu bên bán hàng giao hàng trước thời hạn quy định, bên mua hàng có quyền không nhận và hành vi không nhận này không bị coi là hành vi vi phạm hợp đồng bởi vì bên mua hàng không có nghĩa vụ phải nhận hàng trước thời hạn đã thoả thuận trong hợp đồng.

 Theo quy định tại khoản 1 Điều 351 BLDS năm 2015 quy định “vi phạm nghĩa vụ là việc bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ đúng thời hạn, thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ hoặc thực hiện không đúng nội dung nghĩa vụ”, khoản 12 Điều 3 LTM 2005 quy định: “Vi phạm hợp đồng là một bên không thực hiện, thực hiện không đầy đủ hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ theo thỏa thuận giữa các bên hoặc theo quy định của luật này”. Như vậy, các chủ thể phải thực hiện đầy đủ các cam kết trong hợp đồng thương mại, theo đó bên có vi phạm hợp đồng phải chịu trách nhiệm do hành vi vi phạm của mình gây ra.

 Tại Điều 292 LTM năm 2005, chế tài trong thương mại gồm: “i. Buộc thực hiện đúng hợp đồng; ii.Phạt vi phạm; iii. Buộc bồi thường thiệt hại; iv. Tạm ngừng thực hiện hợp đồng; vi. Đình chỉ thực hiện hợp đồng; vii. Huỷ bỏ hợp đồng; vii.Các biện pháp khác do các bên thoả thuận không trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và tập quán thương mại quốc tế”. Như vậy luật quy định 07 chế tài áp dụng đối với bên vi phạm hợp đồng

Hậu quả pháp lý của hành vi vi phạm hợp đồng

 1. Buộc thực hiện đúng hợp đồng

 Sau khi hợp đồng được kí kết có hiệu lực đối với các bên theo quy định của pháp luật, tiếp theo đó là quá trình thực hiện hợp đồng, đây là quá trình kéo dài, phức tạp đối với các bên. Quá trình thực hiện hợp đồng không thể tránh được những sai sót như giao hàng chậm, giao hàng thiếu, vi phạm các điều khoản về số lượng, chất lượng hàng hóa, yêu cầu kỹ thuật của công việc, cung ứng dịch vụ không đúng hợp đồng.v.v.., bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bên vi phạm phải giao đủ hàng, đúng số lượng, chất lượng hoàng hoá, cung ứng dịch vụ theo đúng thoả thuận trong hợp đồng; bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bên vi phạm loại trừ khuyết tật của hàng hoá, giao đủ hàng hoặc giao hàng khác thay thế. Theo quy định tại khoản 01 Điều 358 BLDS quy định “Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện một công việc mà mình phải thực hiện thì bên có quyền có thể yêu cầu bên có nghĩa vụ tiếp tục thực hiện hoặc tự mình thực hiện hoặc giao người khác thực hiện công việc đó và yêu cầu bên có nghĩa vụ thanh toán chi phí hợp lý, bồi thường thiệt hại.” Buộc thực hiện đúng hợp đồng trong kinh doanh, thương mại là biện pháp bảo đảm hiệu lực của hợp đồng, uy tín thương nhân trong hoạt đông kinh doanh.

 2. Phạt vi phạm hợp đồng

 Phạt vi phạm hợp đồng kinh doanh, thương mại là hình thức chế tài áp dụng đối với bên vi phạm hợp đồng, theo đó bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm trả một khoản tiền phạt theo quy định trong hợp đồng. Chế tài phạt vi phạm  hợp đồng có mục đích chủ yếu là trừng phạt, tác động vào ý thức của các chủ thể hợp đồng nhằm giáo dục ý thức tôn trọng hợp đồng, phòng ngừa vi phạm hợp đồng. Điều 418 BLDS 2015 quy định thoả thuận phạt vi phạm: Là sự thoả thuận giữa các bên trong hợp đồng, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm. Mức phạt vi phạm do các bên thoả thuận, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác. Các bên có thể thoả thuận về việc bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm mà không phải bồi thường thiệt hại hoặc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại. Trường hợp các bên có thoả thuận về phạt vi phạm nhưng không thỏa thuận về việc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phạt vi phạm hợp đồng”.

 Mức tiền phạt vi phạm hợp đồng bị giới hạn bởi thoả thuận về mức phạt của các bên trong hợp nhưng không được vượt quá mức phạt do pháp luật quy định. Mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng kinh doanh, thương mại hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thoả thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm; Đối với công trình xây dựng sử dụng vốn nhà nước, mức phạt hợp đồng không vượt quá 12% giá trị phần hợp đồng bị vi phạm[1].

 3. Bồi thường thiệt hại

 Bồi thường thiệt hại là việc bên có quyền lợi bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm trả tiền bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng gây ra. Khác với phạt vi phạm hợp đồng, bồi thường thiệt hại là hình thức chế tài được áp dụng nhằm khôi phục, bù đắp những lợi ích vật chất bị mất của bên bị vi phạm hợp đồng kinh doanh, thương mại; ngoài ra bên vi phạm còn phải bồi thường tổn thất tinh thần cho bên bị vi phạm. Vì vậy, bồi thường thiệt hại chỉ được áp dụng khi có thiệt hại xảy ra, và có đủ căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường: Có hành vi vi phạm hợp đồng; có thiệt hại thực tế; hành vi vi phạm hợp đồng là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại. Về nguyên tắc, bên vi phạm phải bồi thường toàn bộ những thiệt hại vật chất cho bên bị vi phạm bao gồm: Giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra; Khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm[2].

 Theo đó bên yêu cầu bồi thường thiệt hại có nghĩa vụ phải chứng minh tổn thất, mức độ tổn thất do hành vi vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không bị vi phạm hợp đồng. Bên vi phạm không phải chịu trách nhiệm bồi thường khi không thực hiện được nghĩa vụ hoàn toàn do lỗi của bên có quyền, theo khoản 3 Điều 351 BLDS năm 2015 quy định “Bên có nghĩa vụ không phải chịu trách nhiệm dân sự nếu chứng minh được nghĩa vụ không thực hiện được là hoàn toàn do lỗi của bên có quyền”. Điều 419 BLDS năm 2015 quy định: “1. Thiệt hại được bồi thường do vi phạm nghĩa vụ theo hợp đồng được xác định theo quy định tại khoản 2 Điều này, Điều 13 và Điều 360 của Bộ luật này; 2. Người có quyền có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại cho lợi ích mà lẽ ra mình sẽ được hưởng do hợp đồng mang lại. Người có quyền còn có thể yêu cầu người có nghĩa vụ chi trả chi phí phát sinh do không hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng mà không trùng lặp với mức bồi thường thiệt hại cho lợi ích mà hợp đồng mang lại; 3. Theo yêu cầu của người có quyền, Tòa án có thể buộc người có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại về tinh thần cho người có quyền. Mức bồi thường do Tòa án quyết định căn cứ vào nội dung vụ việc”.

 Lần đầu tiên BLDS năm 2015 quy định bồi thường tổn thất về tinh thần do vi phạm hợp đồng, tuy nhiên tiêu chí xác định mức độ tổn thất về tinh thần đối với pháp nhân trong hợp đồng thương mại như thế nào thì chưa có quy định cụ thể.

 Khi xảy ra vi phạm hợp đồng, bên yêu cầu bồi thường thiệt hại phải áp dụng các biện pháp hợp lý để hạn chế tổn thất, kể cả tổn thất đối với khoản lợi trực tiếp đáng lẽ được hưởng do bên vi phạm hợp đồng gây ra; nếu bên yêu cầu bồi thường thiệt hại không áp dụng các biện pháp đó, bên vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu giảm bớt giá trị bồi thường thiệt hại bằng mức tổn thất đáng lẽ có thể hạn chế được[3]. Có như vậy mới làm cho thiệt hại giảm đến mức thấp nhất, đồng thời tránh bên có quyền lợi dụng vi phạm hợp đồng làm cho thiệt hại lớn hơn, thiệt hại thái quá so với mức độ hành vi vi phạm; nếu bên có quyền không áp dụng các biên pháp cần thiết để ngăn chặn thiệt hại thì bên có quyền cũng phải gánh chịu một phần thiệt hại xảy ra.

 Khi áp dụng trách nhiệm bồi thường, cần lưu ý mối quan hệ giữa phạt hợp đồng và bồi thường thiệt hại, Luật thương mại quy định trong trường hợp các bên của hợp đồng trong kinh doanh thương mại không có thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm chỉ có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại; trường hợp các bên có thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm có quyền áp dụng cả chế tài phạt vi phạm và buộc bồi thường thiệt hại. Các bên có quyền thoả thuận về việc bên vi phạm chỉ phải nộp tiền phạt vi phạm hợp đồng mà không phải bồi thường thiệt hại hoặc vừa phải nộp tiền phạt vi phạm hợp đồng và vừa phải bồi thường thiệt hại.

 4. Tạm ngừng, đình chỉ và hủy bỏ hợp đồng

 Tạm ngừng thực hiện hợp đồng thương mại: Là việc bên bị vi phạm tạm thời không thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng, khi hợp đồng bị tạm ngừng thực hiện thì hợp đồng vẫn còn hiệu lực. Ví dụ: Tạm ngừng thanh toán tiền, tạm ngừng việc giao hàng, nhận hàng, tạm ngừng quảng cáo…đến khi bên vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm hoặc khắc phục hậu quả do vi phạm hợp đồng thì bên có quyền tiếp tục thực hiện hợp đồng.

 Đình chỉ thực hiện hợp đồng: Là bên bị vi phạm  chấm dứt thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng trong kinh doanh, thương mại với bên vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng. Khi hợp đồng bị đình chỉ thực hiện thì hợp đồng chấm dứt hiệu lực từ thời điểm một bên nhận được thông báo đình chỉ, các bên không phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ hợp đồng. Bên đã thực hiện nghĩa vụ có quyền yêu cầu bên kia thanh toán hoặc thực hiện nghĩa vụ đối ứng theo nghĩa vụ mà bên có quyền đã thực hiện.

 Huỷ bỏ hợp đồng: Là sự kiện pháp lý mà hậu quả của nó làm cho nội dung hợp đồng bị hủy bỏ một phần hợp đồng hoặc toàn bộ hợp đồng không còn hiệu lực từ thời điểm giao kết. Hủy bỏ một phần hợp đồng là việc bãi bỏ thực hiện một phần nghĩa vụ hợp đồng, các phần còn lại trong hợp đồng vẫn còn hiệu lực. Hủy bỏ toàn bộ hợp đồng là việc bãi bỏ hoàn toàn việc thực hiện tất cả các nghĩa vụ hợp đồng đối với toàn bộ hợp đồng, khi đó thì hợp đồng được coi là không có hiệu lực từ thời điểm giao kết. Các bên không phải tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ đã thoả thuận trong hợp đồng, trừ thỏa thuận về các quyền và nghĩa vụ sau khi huỷ bỏ hợp đồng và về giải quyết tranh chấp. Các bên có quyền đòi lại lợi ích do việc đã thực hiện phần nghĩa vụ của mình theo hợp đồng; nếu các bên đều có nghĩa vụ hoàn trả thì nghĩa vụ của họ phải được thực hiện đồng thời; trường hợp không thể hoàn trả bằng chính lợi ích đã nhận thì bên có nghĩa vụ phải hoàn trả bằng tiền (Tức là trong trường hợp này các bên phải giải quyết hậu quả của hợp đồng bị huỷ bỏ nếu có).

 *Điểm giống nhau giữa các hình thức chế tài tạm ngừng, đình chỉ và hủy bỏ hợp đồng thể hiện ở hai khía cạnh cơ bản là:

 – Thứ nhất: Chế tài này chỉ được áp dụng khi có thoả thuận của các bên trong hợp đồng. Vì hậu quả chế tài là rất lớn nhất là trong lĩnh vực kinh doanh thương mại nên về nguyên tắc bên bị vi phạm không đương nhiên có quyền đơn phương tạm ngừng, đình chỉ hoặc huỷ bỏ hợp đồng. Nếu trong hợp đồng đã có thoả thuận vi phạm của bên kia là điều kiện để tạm ngừng, đình chỉ, huỷ bỏ hợp đồng hoặc vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng, gây thiệt hại cho bên kia đến mức làm cho bên kia không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng, vi phạm nghiêm trọng hợp đồng là căn cứ huỷ hợp đồng. Vi phạm cơ bản hợp đồng “một sự vi phạm hợp đồng do một bên gây ra là vi phạm cơ bản nếu sự vi phạm đó làm cho bên kia bị thiệt hại mà người bị thiệt hại, trong một chừng mực đáng kể bị mất cái mà họ có quyền chờ đợi trên cơ sở hợp đồng, trừ phi bên vi phạm không tiên liệu được hậu qủa đó và một người có lý trí minh mẫn cũng sẽ không tiên liệu được nếu họ cũng ở vào hoàn cảnh tương tự[4]. Từ quy định trên, xét về mặt lý thuyết, có thể thấy vi phạm cơ bản hợp đồng được xác định dựa trên các yếu tố: (1) Phải có sự vi phạm nghĩa vụ hợp đồng; (2) Sự vi phạm nghĩa vụ hợp đồng đó phải dẫn đến hậu quả là một bên mất đi điều mà họ chờ đợi mong muốn có được từ hợp đồng; (3) Bên vi phạm hợp đồng không thể nhìn thấy trước được hậu quả của sự vi phạm đó.

 Thứ hai: Khác với các hình thức chế tài khác, tạm ngừng, đình chỉ và hủy bỏ hợp đồng là các hình thức chế tài hợp đồng mà theo đó bên bị vi phạm hợp đồng áp dụng chế tài bằng cách không thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng. Chế tài này được xem như sự “tự vệ” của bên bị vi phạm trước vi phạm hợp đồng của bên kia, sự bất lợi mà bên vi phạm phải gánh chịu cơ bản thiệt hại có thể xảy ra, (tức là bên có quyền không phải bồi thường nếu phát sinh thiệt hại). Mặt khác, bên bị vi phạm khi áp dụng các chế tài này vẫn có quyền yêu cầu bên vi phạm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

 5. Miễn trách nhiệm do vi phạm hiệu lực hợp đồng

 Miễn trách nhiệm hợp đồng trong kinh doanh, thương mại là việc bên vi phạm nghĩa vụ theo hợp đồng thương mại không phải chịu trách nhiệm pháp lý do vi phạm hợp đồng theo thoả thuận hoặc theo luật quy định.

 -Miễn trách nhiệm theo thoả thuận: Các bên trong hợp đồng trong kinh doanh, thương mại có quyền thoả thuận về giới hạn trách nhiệm và miễn trách nhiệm hợp đồng trong những trường hợp cụ thể do các bên dự liệu khi giao kết hợp đồng. Thường vi phạm đó là không lớn, bên vi phạm có thể khắc phục được ngay nên không phải chịu chế tài do vi phạm hợp đồng hoặc bên có quyền không yêu cầu bên vi phạm phải chịu trách nhiệm.

 -Miễn trách nhiệm do pháp luật quy định: Điều 294 LTM, bên vi phạm nghĩa vụ hợp đồng trong kinh doanh, thương mại còn được miễn trách nhiệm khi: “(1) Xảy ra sự kiện bất khả kháng; (2) Hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia; (3) Hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng”.

 Nhà nước thay đổi chính sách là một sự kiện độc lập, khách quan làm cho các chủ thể trong hợp đồng không thể biết được khi giao kết hợp đồng. Khi thực hiện hợp đồng trong thực tiễn do điều kiện kinh tế – xã hội của từng thời kỳ và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có sự thay đổi, Chính phủ quy định cụ thể danh mục hàng hoá cấm kinh doanh, hàng hoá hạn chế kinh doanh, hàng hoá kinh doanh có điều kiện và điều kiện để được kinh doanh hàng hóa đó như kinh doanh xăng dầu, thuốc nổ công nghiệp[5].

 Tuy nhiên, không phải cứ có sự kiện bất khả kháng là được miễn trách nhiệm hợp đồng, họ chỉ được miễn trách nhiệm mặc dù họ đã áp dụng các biện pháp cần thiết và khả năng cho phép, theo khoản 1 Điều 156 BLDS năm 2015 đưa ra khái niệm sự kiện bất khả kháng “là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. Trở ngại khách quan là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ dân sự không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền, nghĩa vụ dân sự của mình”; khoản 2 Điều 351 BLDS năm 2015 “Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”. Từ quy định này cho thấy, một sự kiện được coi là bất khả kháng với tính chất là căn cứ để miễn trách nhiệm hợp đồng phải thoả mãn các dấu hiệu: (i) Sự kiện bất khả kháng xảy ra sau khi các bên đã giao kết hợp đồng, sự kiện đó xảy ra hoàn toàn khách quan, không do yếu tố chủ quan của con người; (ii) Sự kiện đó có tính chất bất thường mà các bên không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép; (iii) Sự kiện là nguyên nhân dẫn đến sự vi phạm hợp đồng. Với cách hiểu như vậy, các trường hợp bất khả kháng có thể bao gồm: Thiên tai, hoả hoạn, chiến tranh, dịch bệnh, đình công, sự thay đổi chính sách, pháp luật của Nhà nước, cấm vận quốc tế, hiệp hội khu vực hoặc nhóm quốc gia.

 Khi xảy ra sự kiện bất khả kháng, đối với hợp đồng thương mại có thời hạn cố định về giao hàng, các bên đều có quyền không thực hiện hợp đồng và không bị áp dụng các biện pháp chế tài. Trường hợp hợp đồng thương mại có nội dung thỏa thuận giao hàng trong một thời hạn, các bên trong hợp đồng có thể thoả thuận kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng. Nếu các bên không có thoả thuận hoặc không thỏa thuận được thì thời hạn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng được tính thêm một thời gian bằng thời gian xảy ra trường hợp bất khả kháng cộng với thời gian hợp lý để khắc phục hậu quả, nhưng không được kéo dài quá các thời hạn sau đây: năm tháng đối với hàng hoá mà thời hạn giao hàng được thoả thuận không quá mười hai tháng, kể từ khi giao kết hợp đồng; tám tháng đối với hàng hoá mà thời hạn giao hàng được thoả thuận trên mười hai tháng, kể từ khi giao kết hợp đồng.

 Khi áp dụng quy định về các trường hợp miễn trách nhiệm hợp đồng, việc chứng minh các trường hợp được miễn trách nhiệm thuộc nghĩa vụ của bên có vi phạm hợp đồng. Bên vi phạm nếu muốn được miễn trách nhiệm hợp đồng thì phải có đầy đủ chứng cứ để chứng minh các trường hợp miễn trách nhiệm hợp đồng theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, khi xảy ra trường hợp được miễn trách nhiệm hợp đồng, bên vi phạm hợp đồng còn phải thông báo ngay (bằng văn bản) cho bên kia biết về sự kiện bất khả kháng thuộc trường hợp được miễn trách nhiệm và những hậu quả có thể xảy ra. Nếu bên vi phạm không thông báo hoặc thông báo không kịp thời cho bên kia thì phải bồi thường thiệt hại phát sinh cho bên kia như chi phí bến bãi, kho hàng và các hoạt động giao nhận hàng khác, đối với nghĩa vụ phát sinh trong trường hợp do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan được miễn như đã phân tích nêu trên.

 Có thể nói trách nhiệm pháp lý do vi phạm hợp đồng thương mại là chế định quan trọng trong hợp đồng, là cơ sở bảo đảm cho hiệu lực của hợp đồng được thực hiện một cách nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả, góp phần quan trọng vào việc phát triển nền kinh tế; là công cụ nhà nước quản lý nền kinh tế, là cơ sở pháp lý quan trọng để bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của các bên trong quá trình giải quyết các vụ án tranh chấp thương mại.

Một số biện pháp xử lý hành vi vi phạm hợp đồng

 Biện pháp thương lượng – hòa giải

       Xuất phát từ một đặc tính quan trọng của hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên, pháp luật Việt Nam luôn tôn trọng sự thống nhất ý chí giữa các bên khi xảy ra tranh chấp hợp đồng. Việc thương lượng – hòa giải nếu đạt được kết quả sẽ là giải pháp tốt nhất cho các bên như không phải nộp án phí, rút ngắn thời gian thực hiện hợp đồng,…. và làm hài lòng các bên tranh chấp.

Vi phạm hợp đồng

 Biện pháp đơn phương hủy bỏ hoặc đình chỉ thực hiện hợp đồng

       Nếu biện pháp thương lượng – hòa giải không đem lại hiệu quả thì đơn phương hủy bỏ hợp đồng sẽ là biện pháp xử lý vi phạm cần thiết nhằm hạn chế hoặc không để gây ra hậu quả nếu tiếp tục thực hiện trong khi phía bên kia không chấm dứt việc vi phạm hoặc thiếu thiện chí để giải quyết hậu quả của việc vi phạm. Trong trường hợp bắt buộc phải áp dụng biện pháp này mà gây ra thiệt hại cho bên vi phạm thì không phải bồi thường thiệt hại.

 Biện pháp yêu cầu Tòa án hoặc Trọng tài thương mại giải quyết

       Tòa án và Trọng tài thương mại là các cơ quan có thẩm quyền ra các phán quyết có hiệu lực pháp lý cao và có tính bắt buộc để bảo đảm quyền lợi hợp pháp của bên bị vi phạm nên nếu việc tranh chấp xuất phát từ hợp đồng mà các bên không tự giải quyết được thì nên yêu cầu Tòa án hoặc Trọng tài thương mại (chỉ áp dụng đối với tranh chấp hợp đồng kinh doanh – thương mại) giải quyết để bảo vệ quyền lợi của mình trong thời gian luật định.

       Khi yêu cầu Tòa án hoặc Trọng tài thương mại giải quyết thì các bên phải tuân thủ quy trình tố tụng chặt chẽ do pháp luật quy định đối với từng loại tranh chấp.

 Biện pháp yêu cầu Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát xem xét khởi tố vụ án hình sự

       Nếu có đủ cơ sở xác định bên đối tác có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản khi ký kết hoặc trong quá trình thực hiện hợp đồng bằng hành vi lừa đảo hoặc lạm dụng tín nhiệm thì các Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát sẽ khởi tố, truy tố và đưa ra xét xử tại Tòa án và buộc người chiếm đoạt tài sản phải chịu hình phạt và phải trả lại hoặc bồi thường những tài sản bị chiếm đoạt, những thiệt hại cho người bị hại.

 

  

  

  

  

 Tag: mẫu hồ sơ hạch ocb tà ác